Nội dung mô tả
Tóm lại, chị hãy lấy tình thương của người mẹ để nuôi dưỡng tâm hồn giải thoát của các con, cùng nhau thắp sáng lên ngọn đèn đạo đức nhân bản – nhân quả, sống không làm khổ mình khổ người để bước đi vững chắc trên đường về xứ Phật.
Ngày 02 tháng 11 năm 2023
NUÔI DƯỠNG TÂM HỒN GIẢI THOÁT
Phật tử N.T thưa hỏi
Hỏi: Làm phiền cô. Dạ, con thưa cô, con hiện đang là mẹ độc thân nuôi 2 con, bé gái nay 17 tuổi, bé trai 8 tuổi ạ. Con thật có duyên phước lớn đã gặp chánh pháp Phật do Trưởng lão Thích Thông Lạc dựng lại cuối năm 2019, nên con đang tự tu và học đạo đức nhân bản nhân quả. Con thấy Đạo Phật thật là vi diệu, con cảm nhận mình như sống lại cuộc đời mới với nhiều hạnh phúc hơn, tuy trong cuộc sống luôn có ác pháp khổ đau con cũng hiểu đó là nhân quả nên con từ từ xả đi. Hiện giờ con cố gắng giữ 5 giới và học 10 điều lành. Con đã ăn chay trường được hơn 4 năm, cả các cháu cũng ăn theo con, vì công việc của con nhẹ nên con ăn ngày 1 bữa đã hơn 2 năm. Ước nguyện của con là được giải thoát không còn phải tái sinh luân hồi bởi đời sống nhân quả trả vay này quá khổ. Con cũng đang hướng cho bé trai xuất gia, con nghe Trưởng lão nói tầm 14 hay 15 tuổi thì chùa mới nhận. Con ở Thanh Hóa bận công việc mà lại xa quá nên con không có điều kiện cho bé trực tiếp vào Tây Ninh học các khóa học đạo đức. Con chỉ nhắc bé sau lớn lên con có đi tu không, bé bảo con có ạ. Bé nghe con nói nhân quả thiện ác, bé hiểu và bé cũng không dám giết hại con vật gì cả. Như Trưởng lão nói các bé ăn chay thì tính cách cũng thuần hơn, con cũng thấy vậy. Nhưng thời gian đó con sợ cháu tiếp xúc đời dễ thay đổi. Chặng đường dài con nên làm gì để được vậy thưa sư cô và khi đó con mới có thể xuất gia. Con cảm ơn sư cô!
Đáp: Kính gửi chị N.T!
Chị thật có phước duyên lớn gặp được chánh pháp của Trưởng lão Thích Thông Lạc, chị đang thực hành đạo đức nhân quả thấy cuộc sống hạnh phúc hơn, điều tuyệt vời là các cháu cùng ăn chay theo chị, tức là mẹ và con cùng nhau thực hành Đức Hiếu Sinh trong đời sống hàng ngày. Nhờ sống như vậy, nên con cái của chị tính tình cũng thuần hơn, vì thế chị muốn hướng con sau này đi xuất gia tu hành, thể hiện rằng chị là người rất thương yêu con cái, muốn mang lại những điều tốt đẹp nhất cho chúng, nhưng chẳng phải Trưởng lão Thích Thông Lạc dạy: “Hãy nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả” hay sao?
Đối với Đạo Phật, việc xuất gia tu hành là do sự tự nguyện, tự giác của chính người đó. Con trai của chị mới 8 tuổi còn quá nhỏ để có thể giác ngộ được sự tu hành của bản thân, dù rằng khi chị hỏi: “Lớn lên con có đi tu không?”, thì cháu trả lời: “Có ạ!”.
“Xuất gia” hiểu theo nghĩa tầm thường là “rời khỏi gia đình” thì không khó, nhưng hiểu đúng nghĩa là tâm bất động trước cảnh động, sống đạo đức không làm khổ mình khổ người thì đó mới thật sự là xuất gia.
Con trai của chị rất may mắn có người mẹ sẵn sàng tạo duyên cho mình để bước đi trên con đường giải thoát, vấn đề là cái nhân tu hành của cháu như thế nào?
Một người hiểu nhân quả, khi thấy mảnh đất màu mỡ, thì họ nên nghĩ cách làm sao gieo vào đó hạt giống tốt, thì hạt giống sẽ dễ dàng đâm chồi, nảy lộc, phát triển, đơm hoa, kết trái, cho ra những quả ngọt lành.
Đối với gia đình chị cũng vậy, các cháu may mắn sinh ra trong gia đình có người mẹ gặp được chánh pháp, thực hành đạo đức nhân quả, mẹ và con cùng ăn chay sống thiện, tức là các cháu có “mảnh đất màu mỡ”. Vậy muốn có quả ngọt thì phải làm sao? Thì các cháu phải tự mình gieo duyên lành hợp với môi trường tốt, đủ duyên sẽ tạo ra quả ngọt.
Các cháu vui vẻ ăn chay cùng mẹ, đó là các cháu đang thực hành đạo đức hiếu sinh, gieo hạt giống từ bi, tạo ra nền tảng thiện pháp căn bản nhất để thực hiện đạo đức làm người, từ đó phát triển thành đạo đức làm thánh.
Đạo Phật là đạo đức nhân quả, cho nên chị cố gắng động viên, giải thích, khích lệ các cháu sống đúng đạo đức nhân quả chính là tu hành. Làm sao để các cháu sống thiện, đúng đạo đức không làm khổ mình khổ người thành nếp sống bình thường, tu như người không tu, thì chính là các cháu đang đi trên bước đường giải thoát ngay trong cuộc sống hàng ngày.
Những thiện pháp căn bản của Đạo Phật là 5 tiêu chuẩn đạo đức làm người, trong đó Đức Hiếu Sinh là quan trọng nhất, và khi các cháu còn bé, tâm hồn còn ngây thơ, thì rất dễ hướng dẫn các cháu thực hành Đức Hiếu Sinh. Ví dụ:
˗ Khi các cháu quét nhà phụ giúp mẹ, thì chị hãy hướng dẫn các cháu nhắc tâm: “Cẩn thận không dẫm đạp chúng sanh tôi biết tôi đang quét nhà”, rồi ý tứ quét nhà mà không làm tổn hại đến những chúng sanh nhỏ bé. Chị hãy nói với các cháu: “Con vật cũng như con người, cũng có cha có mẹ, cũng tham sống, sợ chết, mình đừng nên làm tổn hại đến sự sống của chúng. Với lại, mình lớn còn chúng quá bé, cho nên không được ăn hiếp chúng. Vì nếu có ai lớn mạnh ăn hiếp chúng ta thì chúng ta cũng không chịu được”.
˗ Khi các cháu phụ giúp mẹ nhặt rau, thì chị hãy làm gương và hướng dẫn các cháu nhắc tâm: “Cẩn thận không làm tổn hại sự sống các loài chúng sanh bé nhỏ, tôi biết tôi đang nhặt rau”, rồi ý tứ nhặt rau nhưng không động chạm đến sự sống của kiến, sâu… Nếu cọng rau nào có sâu ăn, thì chị bảo cháu mang cọng rau ra ngoài vườn bố thí cho chúng ăn.
˗ Khi luộc rau xong thì chị nhắc cháu để cho nước nguội hoặc pha nước lạnh cho nguội rồi mới đổ xuống lỗ thoát sàn, chứ không đổ nước nóng ra cống thì sẽ làm chết nhiều loài vi sinh vật.
˗ Khi dắt các cháu đi dạo trong vườn, nơi công viên hay ngoài đường, thì chị hướng dẫn các cháu cẩn thận vừa quan sát đường vừa quan sát bước chân của mình để không dẫm đạp lên kiến, trùng và các loài chúng sanh nhỏ bé bằng câu tác ý: “Cẩn thận không dẫm đạp chúng sanh tôi biết tôi đang đi”.
˗ Khi đứng, hay ngồi cũng vậy, luôn hướng dẫn các cháu nhắc tâm: “Cẩn thận lựa chọn chỗ ngồi không đè bẹp chúng sanh”, rồi quan sát kỹ lưỡng nơi ngồi không có kiến, trùng thì mới ngồi.
˗ Thỉnh thoảng nhắc nhở cháu tác ý: “Hãy thương yêu mọi người, mọi loài, không được ghét ai cả”…
Vì tuổi cháu còn bé, cần được quan tâm, yêu thương, khích lệ, cho nên khi cháu làm tốt việc gì thì hãy khen ngợi cháu, hãy làm cho cháu thêm cốc nước hoa quả, hay cái bánh để thể hiện rằng mình ủng hộ những hành động hiếu sinh của con.
Về tri kiến cũng vậy, điều quan trọng nhất là tri kiến về nhân quả, thì chị cần phải khéo léo giúp cháu triển khai một cách sống động, phù hợp với tâm lý con mình, nhất là cháu trai 8 tuổi còn bé.
Chị hãy cùng với con trồng cây, những loại cây dễ trồng như đu đủ, ớt, cà chua, dưa leo, mướp… Trẻ con thường thích lăng xăng giúp mẹ, cho nên chúng sẽ rất vui với việc trồng cây này.
Khi gieo hạt giống xuống cho đến lúc hạt nảy mầm thì chị hãy nói với các con rằng: từ một hạt ban đầu, kết hợp với đất, nước, gió, nhiệt độ, ánh sáng, không khí… mà đã nảy mầm rồi. Nếu đất quá khô, hoặc quá nóng, hoặc quá lạnh thì hạt không thể nảy mầm được, tức là không đủ điều kiện hợp duyên để hạt phát triển thành mầm xanh. Có những hạt lép không nảy mầm được, thì chị cũng giải thích với các cháu là hạt này bị lép, sức sống yếu nên không phát triển được.
Rồi mẹ và con cùng nhau tưới cây mỗi ngày, chứng kiến mầm xanh vươn cành đâm lá, cho đến lúc ra hoa kết quả, cùng nhau trao đổi về sự hợp duyên của các yếu tố để giúp cây phát triển, lúc thì nói về thiên nhiên, khí hậu, thời tiết, lúc thì nói về côn trùng, lúc thì nói về sự chăm sóc của con người… Mẹ và các con trao đổi vô tư như những người bạn. Ngày qua tháng lại, cháu bé sẽ hiểu về tiến trình phát triển của nhân quả thảo mộc một cách sống động từ nhân tới quả.
Khi có thành quả thì mẹ và con cùng nhau thu hoạch, cùng hái quả để ăn. Chị hãy nói với cháu, chỉ cần gieo một hạt mà cho ra rất nhiều quả, trong một quả có nhiều hạt, các con đã thấy chưa? Và gieo nhân đu đủ hợp đủ duyên thì cho ra những quả đu đủ, gieo nhân cà chua hợp đủ duyên thì cho ra những quả cà chua, gieo nhân ớt hợp đủ duyên thì cho ra những quả ớt. Nhân nào quả nấy, đúng không các con?
Từ việc trồng cây, mà chị khéo léo dẫn dắt, triển khai tri kiến về nhân quả thảo mộc cho các cháu thấm nhuần rất tự nhiên, sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ, có thể nói chúng sẽ nhớ suốt đời. Chị có thể tham khảo bài “Nhân Quả Thảo Mộc” trên trang Thư viện Thầy Thông Lạc để biết cách triển khai một cách rộng rãi.
Khi các cháu đã hiểu về nhân quả thảo mộc thì chị lấy đó là cơ sở để hướng dẫn đạo đức nhân quả cho các cháu. Chị nói với các con rằng: con người cũng như loài thảo mộc, mình gieo nhân nào thì được quả đó, cho nên các con phải gieo nhân thiện để hưởng quả khỏe mạnh, hạnh phúc, an vui; không được gieo nhân ác, vì nhân ác sẽ mang tới quả khổ đau. Suy nghĩ, lời nói, hành động của các con là nhân, thì những gì các con nhận lại là quả.
Chị hướng dẫn các cháu biết giữ vệ sinh cá nhân để cơ thể không bị vi trùng xâm nhập lây bệnh, đó là phòng hộ nhân quả.
Làm việc gì chị cũng nhắc các cháu phải cẩn thận, kỹ lưỡng, gọn gàng, ngăn nắp, không được bừa bãi, dù đó là việc nhỏ.
Chị hướng dẫn các cháu phân loại rác, loại nào ra loại đó rõ ràng, đó là giáo dục vệ sinh môi trường.
Chị dạy các cháu đức buông xả, biết chia sẻ sự sống với người khác, biết thương yêu giúp đỡ mọi người khó khăn, biết kính trên nhường dưới, kính trọng những người có đức hạnh.
Hãy nhắc cháu luôn thành thật trong mọi việc, đừng nên nói dối, vì nói dối sẽ làm mất niềm tin đối với mọi người…
Đời sống của con người là một trường học nhân quả thực tế, thật tuyệt vời khi mẹ nắm tay con cùng nhau học tập và ứng dụng trong cuộc sống.
Chị là mẹ, nhưng hãy coi mình là bạn của các con, luôn gần gũi với các con để các con sẵn sàng chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn với chị, từ đó chị hãy tìm cách giúp con triển khai tri kiến để hóa giải những chướng ngại trong lòng. Đó là rèn luyện đức xả tâm.
Bé trai hiện nay 8 tuổi, chị muốn hướng cho cháu lớn lên tu hành, thì khi cháu trưởng thành với sự dìu dắt của chị, cháu sẽ cảm nhận giá trị của đạo đức nhân quả để mà đi sâu vào sự giải thoát rốt ráo. Chị vẫn nuôi con ăn học đầy đủ, nhưng khi nhận thức của cháu đã chín chắn, chị có thể cho cháu đọc thêm những cuốn sách của Trưởng lão Thích Thông Lạc như Giáo Án Rèn Nhân Cách, Sống Mười Điều Lành, Đạo Đức Làm Người… Nếu cháu thích thú, có thể giác ngộ được lợi ích của con đường giải thoát, và phát khởi ý chí tu hành giải thoát, thì chị sẽ tạo điều kiện cho cháu được triển khai tri kiến sâu hơn nữa về các lớp Bát Chánh Đạo, mà quan trọng nhất là lớp Chánh kiến, trong đó Nhân Quả Thảo Mộc là đề tài căn bản nhất. Đến lúc này cháu triển khai Nhân Quả Thảo Mộc sẽ sâu sắc vô cùng, vì cháu được mẹ hướng dẫn từ bé. Từ đó cháu sẽ tiếp tục phát triển tri kiến Định Vô Lậu, cộng với việc trau dồi lòng từ trong đời sống hàng ngày thì sức tĩnh giác của cháu cũng tương đối cao, nên cháu xả tâm rất dễ.
Khi cháu biết xả tâm thì chị hãy tìm cho cháu môi trường thọ Bát Quan Trai, có thể ở nhà hoặc bất kỳ nơi đâu có điều kiện thuận lợi, thời gian thọ từ một buổi tới một ngày, để cho cháu thích nghi dần.
Những việc làm này có thể tiến hành song song với việc học văn hóa, ví dụ cháu muốn học đại học thì chị hãy tôn trọng, miễn là giữ vững lập trường sống đạo đức nhân quả là được.
Còn nếu lớn lên mà cháu chưa thích tu, còn thích làm việc này, việc khác, thì chị cũng vui vẻ thuận theo cháu, chỉ nhắc cháu hãy nhớ giữ gìn đạo đức làm người.
Trong thư chị viết rằng: “nhưng thời gian đó con sợ cháu tiếp xúc đời dễ thay đổi”, vậy không tiếp xúc với đời thì làm sao cháu hiểu cuộc đời? Không lẽ nuôi con trong tủ kính thì chúng sẽ giải thoát sao?
Trong không khí của chúng ta luôn luôn có những vi trùng gây bệnh, nhưng con người không nhiễm bệnh là vì họ có sức đề kháng, cho nên không sợ vi trùng gây bệnh mà chỉ sợ cơ thể không đủ sức đề kháng.
Cũng vậy, đừng sợ cuộc đời nhiều ác pháp mà chỉ sợ thiện pháp trong tâm không đủ mà thôi. Cho nên, phải thường xuyên ngăn ác diệt ác trong tâm của mình thì đâu có sợ ác pháp cuộc đời? Đó gọi là “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” thì mới gọi là giải thoát thật sự!
Trưởng lão Thích Thông Lạc dạy:
“Vạn cảnh đang lay động
Tùy cảnh tâm an vui
Nhờ cảnh tâm vô trụ
Không buồn cũng không vui”
Chứ Thầy đâu dạy chúng ta phải vào chùa, không tiếp xúc với cuộc đời là giải thoát đâu? Không phải sống viễn ly, tránh né đời mà có thể giải thoát cuộc đời được, cho nên câu: “Vì vô minh mà sống viễn ly” là không đúng. Trưởng lão Thích Thông Lạc đã dẫn một câu chuyện trong sách Đường Về Xứ Phật – Tập 2 như sau:
““Vì vô minh ta sống viễn ly”, hiểu như các con đó là sai, vì hiểu sai như vậy đã biến Đạo Phật trở thành đạo yếm thế, nhưng để chứng minh cho các con thấy, các huynh đệ của các con đã để lại một kinh nghiệm sai lầm quá lớn “Vì vô minh ta sống viễn ly”.
Xưa, có một vị Hòa thượng ở trong rừng núi, ông xin một đứa bé hài nhi đem về núi nuôi dạy tu hành, khi đứa bé đến tuổi trưởng thành ông đưa về thành phố nơi phồn hoa đô hội “Ngựa xe như nước áo quần như nêm”. Khi vào thành phố đứa bé thấy mọi vật cái gì cũng đẹp cũng lạ và nhất là phụ nữ thì cậu ta lại càng thích hơn và hỏi thầy: “Đó là con vật chi thưa thầy?”.
Vị thầy trả lời: “Đó là con cọp”.
Cậu bé hỏi: “Con cọp có dữ không thưa thầy? Sao con thấy nó dễ thương quá vậy”.
Vị thầy trả lời: “Con cọp dữ lắm con ạ! Nó sẽ ăn thịt con đó, con đừng nên lại gần nó”.
Sau chuyến đi thành phố này trở về núi, cậu bé không còn vui đùa hồn nhiên như trước, luôn luôn lúc nào cũng có chiều suy tư. Một hôm cậu thưa với thầy: “Kính bạch thầy! Xin thầy cho phép con mua con cọp đó về nuôi được không? Sao con ưa thích nó quá”.
Vị thầy làm thinh không trả lời và suy tư: “Tu hành theo Đạo Phật không thể tránh cảnh mà tâm thanh tịnh được, trực tiếp trong mọi cảnh và phải thấu suốt cảnh vật, có trực tiếp, có thấu suốt thì mới buông xả được”, còn cậu bé này được cách ly thế giới bên ngoài từ lúc sơ sinh cho đến 18 tuổi chuyên ngồi thiền niệm Phật tụng kinh bái sám, nhưng ngồi thiền, niệm Phật, tụng kinh, bái sám chẳng giúp gì cho cậu buông xả được mà ngược lại khi trực tiếp vào cảnh thì cậu bị lôi cuốn ngay từ lúc đầu “ái dục””.
Vì vậy, tu hành theo Đạo Phật không thể tránh duyên, tránh cảnh, mà phải trực tiếp đối diện với mọi cảnh, triển khai tri kiến thấu suốt lý chân thật của nó thì mới buông xả được.
Đạo Phật là đạo đức nhân quả, cho nên phải chính mình gieo nhân thì mới gặt quả được, người gieo nhân tu hành thì quả sẽ đi vào con đường tu hành, còn nếu không gieo nhân như vậy mà có ép họ tu cũng không được.
Trong văn phòng làm việc, có lần Thầy Thông Lạc đã kể cho Nguyên Thanh nghe một câu chuyện: “Có vị thầy tu nọ nhận một người đệ tử còn nhỏ tuổi về nuôi và dạy pháp tu hành. Theo năm tháng vị thầy càng ngày càng khép người học trò vào sự tu tập miên mật dần, tức là sống độc cư không giao tiếp với ai, nhưng rồi một ngày người học trò cũng bung thất ra đời nhiều năm để trả nhân quả. Cho dù vị thầy có muốn điều tốt đẹp cho người học trò của mình đi chăng nữa, nhưng nợ nhân quả ai vay thì người đó phải trả, một là người học trò phải dũng mãnh vượt qua nhân quả, hai là bung thất ra đời trả nhân quả. Nhưng vượt qua không phải dễ, cho nên người học trò đó đành phải ra đời trả nhân quả”. Câu chuyện này nói lên rằng, tu hành phải tự giác, tự nguyện, chứ không thể nào ép buộc được, vì nếu ép buộc mà nợ nhân quả chưa trả xong thì sớm muộn người đó cũng phải trả nhân quả bằng cách này hay cách khác.
“Xuất gia” không phải là rời khỏi gia đình vào chùa, đó chỉ là hình thức mà thôi. Xuất gia hay không là phải đứng trên trạng thái tâm của người đó mà nhận xét, nếu tâm phóng dật thì cho dù ở trên đỉnh núi một mình cũng vẫn “tại gia” như thường, còn tâm không phóng dật, cho dù ở nơi ồn ào, phố thị thì người đó vẫn xuất gia, vì tâm đâu còn dính mắc các pháp thế gian?
Có một bạn đồng tu với Nguyên Thanh lúc còn trẻ, bạn này tu hành rất tinh tấn, thường ở trong thất tu tập, không nói chuyện với ai. Nhưng đến một ngày địa phương gửi giấy báo triệu tập bạn này đi nghĩa vụ quân sự theo quy định của pháp luật. Luật pháp Nhà nước không thể nào bất tuân được, cho nên dù muốn ở lại tu, nhưng bạn đó đành phải trở về địa phương theo giấy triệu tập. Trong thời gian chuẩn bị nhập ngũ, bạn ấy xin địa phương ôn thi Đại học và sau đó trúng tuyển đi học, nên được đặc cách không phải nhập ngũ… Như vậy, cho dù tuổi trẻ, không vướng bận gia đình, có quyết tâm tu tập, nhưng tại sao không thể tiến tu theo lý tưởng đã chọn?
Là vì họ đã tu sai với trạng thái tâm của mình. Tâm đang động thì họ phải xả ngoài cảnh động cho thuần thục, tu trong mọi việc làm, mọi hoàn cảnh, trước mọi đối tượng, luôn triển khai tri kiến nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả thâm sâu để thực hiện đời sống đạo đức không làm khổ mình khổ người, chứ không phải nhảy vào thất vội. Vậy mà họ vội vàng nhảy vào thất trong khi nền tảng đạo đức nhân quả chưa có thì làm sao tu hành đến nơi đến chốn đây?
Người tu hành bước vào cảnh tịnh tu tập chỉ khi nào trước cảnh động mà tâm bất động, còn tâm đang động mà tự ép mình vào cảnh tịnh tu tập, thì coi chừng nhân quả không để yên cho mình tu tập.
Cho nên, chính đời sống đạo đức nhân quả thực hiện trong đời sống một cách hoàn chỉnh mới tạo thành nền tảng cho chúng ta đi sâu vào con đường giải thoát rốt ráo, tức là xuất gia. Còn đạo đức nhân quả chưa hoàn chỉnh, chỉ vì lòng ham muốn tu mà vội chạy theo những danh từ “xuất gia” thì cũng như người xây nhà mà không có móng, rất dễ đổ vỡ.
Ngày xưa bà Dhama khi biết Đạo Phật bà xin chồng xuất gia, nhưng người chồng không bằng lòng, bà phải chờ đến khi chồng mất mới xuất gia, lúc này bà đã già hơn 70 tuổi và Đức Phật cũng đã già, nhưng nhờ nỗ lực tu hành nên không lâu sau bà chứng quả A La Hán. Vậy tại sao bà có thể chứng thánh quả dễ dàng như vậy?
Vì mặc dù chồng không cho bà “xuất gia” (rời khỏi gia đình đi tu), nhưng bà vẫn tu tập đạo đức nhân quả trong cuộc sống gia duyên ngày càng tròn đầy, đến khi chồng mất, nợ nhân quả đã hết, thì chính nền tảng đạo đức nhân quả đó giúp bà tu tập ở giai đoạn rốt ráo rất nhanh chóng.
Cho nên, “xuất gia” theo Đạo Phật là chỗ tâm không phóng dật, tức là tâm không còn dính mắc các pháp thế gian. Vì thế, phải đứng trên trạng thái tâm mà nhận xét người xuất gia, chứ không phải căn cứ trên hình tướng đầu tròn áo vuông hay hoàn cảnh sống một mình nơi am thất, hoặc vào thiền nọ viện kia…
Với tấm lòng của một người biết chánh pháp, muốn mang lại những điều tốt đẹp nhất cho con của mình, muốn con mình đi theo con đường giải thoát, nên chị mong muốn con mình sau này sẽ “xuất gia” tu hành, thật là đáng trân trọng biết bao!
Nếu nói một cách đúng nghĩa, thì chị muốn cho con mình được vào môi trường tu hành nghiêm chỉnh, được giáo dục đạo đức nhân bản nhân quả từ thấp đến cao, có phải không chị?
Môi trường cho mọi người có nơi học đạo đức, đó là tâm nguyện lúc sinh thời của Trưởng lão Thích Thông Lạc muốn xây dựng những Trung Tâm An Dưỡng, Làng Nguyên Thủy, để mọi người không phân biệt giàu nghèo, giới tính, sắc tộc, tôn giáo, được về học tập đạo đức nhân quả. Nhưng duyên chúng sanh chưa đủ, nên ước nguyện của Thầy không thành.
Vậy thì tìm đâu ra trên thế gian này có một trường học dạy đạo đức nhân quả cho các cháu từ tuổi trẻ cho đến khi các cháu tu hành giải thoát hoàn mãn đây?
Ai sẽ là người có đầy đủ lòng thương yêu đối với các cháu?
Ai sẽ là người có đầy đủ trí tuệ thắp lên ngọn đèn tri kiến giải thoát cho các cháu?
Ai sẽ là người có đầy đủ lòng bao dung vô bờ bến sẵn sàng tha thứ cho những lỗi lầm khi các cháu phạm phải để dìu dắt các cháu đứng lên tiến về phía trước?
Thật không dễ gì có được những người thầy như vậy trên thế gian này!
Đâu đó trên khắp đất nước này cũng có những môi trường cơ sở vật chất không thiếu, nhưng lòng người chưa đủ rộng, trí tuệ chưa đủ sâu, người ta nặng về quản lý nhẹ về tình thương, thường biến giới luật là đạo đức không làm khổ mình khổ người thành giáo điều và công cụ quản lý con người, nên e rằng nếu chị đưa các cháu vào đó sớm thì nhiều khi các cháu rơi vào tình cảnh: bên trong thì lòng mang nhiều nỗi niềm chưa được tháo gỡ, còn bên ngoài thì khoác chiếc áo hình thức “giới luật” chật chội, sự tu hành không vì mục đích giải thoát khỏi bốn sự đau khổ của kiếp sống làm người, mà đôi khi chỉ vì làm vừa lòng kỷ luật của người quản lý. Sự tu tập hình thức như vậy sẽ dẫn tới vấn đề, kiến thức ở đời thì các cháu không biết, còn đường đạo thì không vô, thành ra dang dở.
Cho nên, khi duyên chúng sanh chưa đủ, chưa có những môi trường đúng nghĩa để ươm mầm những hạt giống đạo đức nhân quả, thì Nguyên Thanh thiết nghĩ, với tấm lòng thương con vô bờ bến, chị hãy là chiếc nôi vun đắp hạt giống đạo đức nhân quả cho các con của mình.
Để đào tạo nên một chiến binh thì người ta cần kỷ luật, còn để đào tạo nên một con người giải thoát thì người ta cần tình thương được ngọn đèn đạo đức nhân quả soi sáng.
Con chị đã có sẵn tình thương của người mẹ, vậy mẹ cùng con học tập trau dồi đạo đức nhân quả, sống không làm khổ mình khổ người, đó chính là đang bước đi vững chắc trên đường về xứ Phật.
Nếu chị không hiểu điều này, mà nghĩ xa vời rằng lớn lên sẽ cho con đi xuất gia chỗ này chỗ kia, thì e rằng cháu mất đi một khoảng thời gian xây dựng nền tảng đạo đức nhân quả.
Khi cháu được sống dưới tình yêu thương của người mẹ, được mẹ tạo điều kiện phát triển những hạt giống thiện pháp thì sau này khi cháu lớn lên nhờ từ trường thiện mà cháu đã gieo, tức là cái nhân lành, thì cháu sẽ gặp được những vị thầy đủ đức đủ tài dìu dắt cháu đi sâu vào con đường giải thoát một cách chuẩn mực.
Nếu chị mong muốn sự giải thoát ở xa đối với con mình mà không vun đắp đạo đức làm người thiết thực cho cháu trong đời sống hàng ngày, trong khi cháu tuổi còn thơ ngây rất dễ đào tạo, thì e rằng đạo đức của cháu sẽ mất căn bản. Khi cháu đã lớn, cho dù có vào chùa tu hành thì việc uốn nắn nhân cách cũng mất thời gian dài chứ không phải dễ như lúc còn bé thơ.
Trưởng lão Thích Thông Lạc, người dựng lại chánh pháp, thắp sáng lên ngọn đèn đạo đức nhân bản – nhân quả, sống không làm khổ mình khổ người, tuy Thầy đã nhập Niết Bàn nhưng giáo pháp của Thầy vẫn còn đó, vẫn còn những người đệ tử âm thầm làm công việc bảo tồn pháp bảo để cho mọi người có tư liệu chuẩn mực nghiên cứu tu hành.
Đức Phật hay Trưởng lão Thích Thông Lạc nhập diệt, thì giáo pháp của các Ngài là thầy, là chỗ nương tựa vững chắc tu hành.
Trong 8 lớp Bát Chánh Đạo thì 5 lớp đầu tiên: lớp Chánh kiến, lớp Chánh tư duy, lớp Chánh ngữ, lớp Chánh nghiệp, lớp Chánh mạng thuộc về đời sống con người, tu trong cảnh động. Nếu 5 lớp đầu tiên này không được đào luyện mà vội bước vào chùa để sống độc cư thì cũng như người chưa học phổ thông mà đòi làm bác sĩ vậy, lý đó không thể được.
Chùa miễu bây giờ, hoặc là hỗn tạp cho có hình thức, hoặc là ai tới cũng được, cứ vào thất mới gọi là tu, thì cuối cùng những tu sinh đang ngơ ngác về tri kiến giải thoát sẽ về đâu?
Cho nên, lời dạy của Đức Phật ngàn đời là chân lý: “Các con hãy lấy giới luật và giáo pháp của ta làm thầy, làm chỗ nương tựa vững chắc tu hành”, mà giới luật là tri kiến đạo đức nhân quả, tri kiến này cần phải được học tập và rèn luyện trong đời sống hàng ngày.
Hiện nay, phương tiện học tập rất đầy đủ, có mạng Internet để tham khảo pháp bảo, có kinh sách, bài giảng của Trưởng lão Thích Thông Lạc để lại, có máy tính, bút mực để viết thì chỉ cần lòng quyết tâm và tinh thần học hỏi khoa học, có thứ lớp từ thấp đến cao là mọi người có thể rèn luyện tri kiến đạo đức nhân quả được.
Đầu tiên là học về đạo đức làm người qua bộ Giáo Án Rèn Nhân Cách.
Tiếp đó là triển khai tri kiến đạo đức nhân quả 10 điều lành.
Sau đó là học lớp Chánh kiến, bắt đầu từ đề tài Nhân Quả Thảo Mộc.
Rồi từng bước áp dụng vào đời sống hàng ngày, đó là rèn luyện lớp Chánh tư duy trau dồi ý thức soi sáng mọi vấn đề để biến ra lời nói, hành động không làm khổ mình khổ người, tức là tu tập lớp Chánh ngữ và lớp Chánh nghiệp.
Luôn sống đúng chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, không làm khổ mình khổ người, tức là huân tập thiện pháp vào thân, huân tập thiện pháp vào thân là nuôi dưỡng chánh mạng, nuôi dưỡng chánh mạng thì thân tâm được thanh thản, an lạc và vô sự, thân tâm thanh thản, an lạc và vô sự thì đó là giải thoát.
Thực tế, Thầy Thông Lạc tu chứng đạo khi về sống bên mẹ, đó là minh chứng cho chúng ta thấy, chỉ cần có sự quyết tâm tu tập, biết triển khai tri kiến đúng chánh pháp và sự thương yêu giúp đỡ trợ duyên thì lo gì không có sự hạnh phúc, an vui, giải thoát?
Tóm lại, chị hãy lấy tình thương của người mẹ để nuôi dưỡng tâm hồn giải thoát của các con, cùng nhau thắp sáng lên ngọn đèn đạo đức nhân bản – nhân quả, sống không làm khổ mình khổ người để bước đi vững chắc trên đường về xứ Phật.
TM. Ban Biên Tập
Sc. Nguyên Thanh
Leave a Comment
Tóm lại, muốn thấy được gốc rễ cần phải nhìn xuyên qua cành lá, muốn hiểu được bản chất của vấn đề thì phải nhìn xuyên qua các hiện tượng. Con người trên thế gian này hạnh phúc hay khổ đau, bệnh tật hay khỏe mạnh đều do hạnh nghiệp nhân quả mà ra. Vì vậy, hãy tự mình thắp lên ngọn đuốc đạo đức nhân quả, sống không làm khổ mình khổ người, mới có thể chuyển đổi được nghiệp khổ thành cuộc sống hạnh phúc, an vui, giải thoát.
Tóm lại, pháp tu của người già là ngồi chơi xả tâm, tức là tu Tứ Niệm Xứ trên Tứ Niệm Xứ. Khi có chướng ngại nào xảy ra trên bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp, thì dùng pháp Như Lý Tác Ý đuổi đi cho thật sạch để bảo vệ chân lý thanh thản, an lạc, vô sự. Cứ siêng năng tu tập đến khi tâm đủ nội lực bất động trước cận tử nghiệp thì không còn tái sanh luân hồi.
Tóm lại, hàng ngày trong mọi công việc chúng ta cần nương theo thân hành để tập Chánh Niệm Tĩnh Giác, nhờ sức tĩnh giác này mà tâm bình tĩnh dùng tri kiến đạo đức nhân bản – nhân quả điều khiển hành động thân, khẩu, ý không làm khổ mình khổ người, đó chính là “sống là tu, tu là sống” để đem lại sự hạnh phúc, an vui cho mình và mọi người.
Tóm lại, lòng từ như cơn gió mát, thổi đến đâu sẽ xua tan đi cái nóng bức, ngột ngạt tỏa ra từ tâm sân hận đến đó. Cho nên, chúng ta cần phải cố gắng trau dồi lòng từ trong các hành động sống hàng ngày để lòng từ là mình, mình là lòng từ, thì tâm ta sẽ không còn chướng ngại và dung thông với vạn hữu trong tình thương yêu và tha thứ. Nếu thực hành được như vậy, cuộc sống của chúng ta ngày càng trở nên vui tươi, hạnh phúc và bình an.
Tóm lại, trong giao tiếp với mọi người thì phải chánh niệm tĩnh giác quán xét cả nội tâm lẫn ngoại cảnh, tức là biết toàn diện, biết toàn diện là nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả để ứng xử với nhau trên tinh thần không làm khổ mình khổ người, thì sẽ khắc phục được vấn đề chen ngang và áp đặt ý kiến của mình lên người khác, đó là làm chủ lời nói.
Như vậy, đối với một người còn sống giao tiếp thì giữ 5 tiêu chuẩn đạo đức làm người, nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả, thỉnh thoảng thọ Bát Quan Trai để thực hiện đời sống không làm khổ mình khổ người, sống không làm khổ mình khổ người là giới luật, mà giới luật chính là nền tảng đạo đức, là cội gốc của thiền định, là bông trái của trí tuệ, do vậy đời sống đạo đức rất quan trọng đối với người tu hành giải thoát.
Tóm lại, tu đúng là làm chủ cái ngủ, làm chủ cái ngủ là tu. Muốn làm chủ cái ngủ thì phải giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh, giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh là triển khai tri kiến giải thoát, triển khai tri kiến giải thoát thì phải thông suốt Định Vô Lậu và rèn luyện chánh niệm tĩnh giác, đó là những vũ khí chính để xả tâm tham, sân, si, quét sạch hôn trầm, nhường chỗ cho tâm thanh thản, an lạc, giải thoát.
Tóm lại, sự bố thí, làm từ thiện phải thực hiện đúng lộ trình nhân quả: nếu chúng sanh sống thiện mà gặp khó khăn thì chúng ta nên giúp đỡ để họ tiếp tục sống thiện; còn nếu chúng sanh sống ác mà gặp khó khăn thì ta nên để họ tự trả nhân quả; nếu chúng ta giúp đỡ chúng sanh mà tạo duyên phát sinh ác pháp cản trở tức là chúng sanh chưa đủ duyên phước để nhận sự giúp đỡ này, thì chúng ta nên dừng lại, hoặc là khuyên nhủ họ nên sống thiện bồi đắp phước đức để chuyển đổi nhân quả.
Tóm lại, pháp sai chứ người không sai. Vì pháp sai nên làm cho con người bị ức chế tâm trong hình thức giới luật, tiến lên thì không được mà lùi xuống thì phạm giới, nên kiểu gì cũng bị khổ đau. Còn khi gặp đúng chánh pháp, giúp chúng ta biết cách triển khai tri kiến xả tâm, ly dục ly ác pháp, hóa giải mọi chướng ngại trong lòng để tâm trở về trạng thái thanh thản, an lạc, vô sự, vượt qua nhân quả, vững bước tiến lên trên con đường giải thoát.
Tóm lại, nghiệp tương ưng tái sanh luân hồi, tạo ra sự sống mới, khổ đau hay hạnh phúc đều do hạnh nghiệp mà ra. Nghiệp do tâm tạo, cho nên chúng ta phải biết thương tâm nghiệp lực của mình, thương tâm nghiệp lực của mình thì phải biết triển khai tri kiến nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả để sống không làm khổ mình khổ người thì sẽ tiến hóa trên con đường thiện, giải thoát tâm mình ra khỏi mọi sự khổ đau và chấm dứt tái sanh luân hồi.
Tóm lại, càng siêng năng quét nhà thì nhà càng sạch, càng siêng năng xả tâm thì tâm càng sáng. Muốn tâm thanh tịnh thì phải trực tiếp trong mọi cảnh phản tỉnh tâm mình, luôn ngăn ác diệt ác pháp để tâm không còn chướng ngại, nên tâm dung thông với vạn hữu trong tình thương yêu và tha thứ, đó chính là hạnh phúc chân thật của cuộc đời.
Tóm lại, bậc làm cha mẹ hãy đứng trên lập trường đạo đức nhân quả để nuôi dạy các con của mình biết ăn chay vì đức hiếu sinh theo tinh thần 5 tiêu chuẩn đạo đức làm người, biết thương yêu chia sẻ sự sống với mọi người, biết trau dồi lòng từ để rèn luyện sức tĩnh giác, biết giữ gìn vệ sinh môi trường sống và hướng theo chánh nghiệp để xây dựng cho mình một cuộc sống hạnh phúc, bình an, no ấm.
Tóm lại, dục và ác pháp là nguyên nhân gây ra sự khổ đau cho con người. Để ly dục ly ác pháp thì chúng ta cần phải thực tập và rèn luyện theo đúng lộ trình Bát Chánh Đạo. Khi tâm ly dục ly ác pháp thì trạng thái bất động, thanh thản, an lạc, vô sự hiện ra, đó chính là chân lý giải thoát của Đạo Phật.
Sita Mi
8 tháng trước
Con xin cảm ơn bậc Chân Tu bài pháp này. Mô phật
Các tương tác cảm xúc
Hoằng Nguyễn
12 tháng trước
Dạ con cảm ơn sư cô ạ. Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật ! Nam mô Trưởng lão Thích Thông Lạc
Các tương tác cảm xúc
Thanh Hòa
12 tháng trước
Tuyệt vời! cảm ơn Sc rất nhiều ạ!
Các tương tác cảm xúc
Thanh Hòa
12 tháng trước
Quá tuyệt vời, nhưng có những vị không biết dùng máy tính để đọc, chia sẽ đường dẫn họ không đọc được, mong Sc và BBT cho file in ra hay copy về được không ạ!?
Các tương tác cảm xúc
Tri Kiến Giải Thoát
12 tháng trước
"Tóm lại, chị hãy lấy tình thương của người mẹ để nuôi dưỡng tâm hồn giải thoát của các con, cùng nhau thắp sáng lên ngọn đèn đạo đức nhân bản - nhân quả, sống không làm khổ mình khổ người để bước đi vững chắc trên đường về xứ Phật." (Sc. Nguyên Thanh)
Các tương tác cảm xúc
Tri Kiến Giải Thoát
12 tháng trước
"Vậy thì tìm đâu ra trên thế gian này có một trường học dạy đạo đức nhân quả cho các cháu từ tuổi trẻ cho đến khi các cháu tu hành giải thoát hoàn mãn đây?
Ai sẽ là người có đầy đủ lòng thương yêu đối với các cháu?
Ai sẽ là người có đầy đủ trí tuệ thắp lên ngọn đèn tri kiến giải thoát cho các cháu?
Ai sẽ là người có đầy đủ lòng bao dung vô bờ bến sẵn sàng tha thứ cho những lỗi lầm khi các cháu phạm phải để dìu dắt các cháu đứng lên tiến về phía trước?
Thật không dễ gì có được những người thầy như vậy trên thế gian này!" (Sc. Nguyên Thanh)
Các tương tác cảm xúc
Tri Kiến Giải Thoát
12 tháng trước
"Cho nên, chính đời sống đạo đức nhân quả thực hiện trong đời sống một cách hoàn chỉnh mới tạo thành nền tảng cho chúng ta đi sâu vào con đường giải thoát rốt ráo, tức là xuất gia. Còn đạo đức nhân quả chưa hoàn chỉnh, chỉ vì lòng ham muốn tu mà vội chạy theo những danh từ “xuất gia” thì cũng như người xây nhà mà không có móng, rất dễ đổ vỡ." (Sc. Nguyên Thanh)
Các tương tác cảm xúc
Tri Kiến Giải Thoát
12 tháng trước
"“Xuất gia” không phải là rời khỏi gia đình vào chùa, đó chỉ là hình thức mà thôi. Xuất gia hay không là phải đứng trên trạng thái tâm của người đó mà nhận xét, nếu tâm phóng dật thì cho dù ở trên đỉnh núi một mình cũng vẫn “tại gia” như thường, còn tâm không phóng dật, cho dù ở nơi ồn ào, phố thị thì người đó vẫn xuất gia, vì tâm đâu có dính mắc các pháp thế gian?" (Sc. Nguyên Thanh)
Các tương tác cảm xúc
Tri Kiến Giải Thoát
12 tháng trước
“Tu hành theo Đạo Phật không thể tránh cảnh mà tâm thanh tịnh được, trực tiếp trong mọi cảnh và phải thấu suốt cảnh vật, có trực tiếp, có thấu suốt thì mới buông xả được” (Trưởng lão Thích Thông Lạc)
Các tương tác cảm xúc
Tri Kiến Giải Thoát
12 tháng trước (Đã chỉnh sửa)
"Trong không khí của chúng ta luôn luôn có những vi trùng gây bệnh, nhưng con người không nhiễm bệnh là vì họ có sức đề kháng, cho nên không sợ vi trùng gây bệnh mà chỉ sợ cơ thể không đủ sức đề kháng.
Cũng vậy, đừng sợ cuộc đời nhiều ác pháp mà chỉ sợ thiện pháp trong tâm không đủ mà thôi. Cho nên, phải thường xuyên ngăn ác diệt ác trong tâm của mình thì đâu có sợ ác pháp cuộc đời? Đó gọi là “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” thì mới gọi là giải thoát thật sự!" (Sc. Nguyên Thanh)
Các tương tác cảm xúc
Tri Kiến Giải Thoát
12 tháng trước (Đã chỉnh sửa)
"Đạo Phật là đạo đức nhân quả, cho nên chị cố gắng động viên, giải thích, khích lệ các cháu sống đúng đạo đức nhân quả chính là tu hành. Làm sao để các cháu sống thiện, đúng đạo đức không làm khổ mình khổ người thành nếp sống bình thường, tu như người không tu, thì chính là các cháu đang đi trên bước đường giải thoát ngay trong cuộc sống hàng ngày." (Sc. Nguyên Thanh)
Các tương tác cảm xúc
Tri Kiến Giải Thoát
12 tháng trước (Đã chỉnh sửa)
"Một người hiểu nhân quả, khi thấy mảnh đất màu mỡ, thì họ nên nghĩ cách làm sao gieo vào đó hạt giống tốt, thì hạt giống sẽ dễ dàng đâm chồi, nảy lộc, phát triển, đơm hoa, kết trái, cho ra những quả ngọt lành.
Đối với gia đình chị cũng vậy, các cháu may mắn sinh ra trong gia đình có người mẹ gặp được chánh pháp, thực hành đạo đức nhân quả, mẹ con cùng ăn chay sống thiện, tức là các cháu có “mảnh đất màu mỡ”. Vậy muốn có quả ngọt thì phải làm sao? Thì các cháu phải tự mình gieo duyên lành hợp với môi trường tốt, đủ duyên sẽ tạo ra quả ngọt." (Sc. Nguyên Thanh)
Các tương tác cảm xúc
Tri Kiến Giải Thoát
12 tháng trước (Đã chỉnh sửa)
"“Xuất gia” hiểu theo nghĩa tầm thường là “rời khỏi gia đình” thì không khó, nhưng hiểu đúng nghĩa là tâm bất động trước cảnh động, sống đạo đức không làm khổ mình khổ người thì đó mới thật sự là xuất gia." (Sc. Nguyên Thanh)
Các tương tác cảm xúc