- bổn phận
- trôi dạt
- ly gián
- nhân quả
- nghiện ngập
- duyên tan
- vợ chồng
- ức chế tâm
- sát sanh
- giết hại
- trộm cắp
- quy luật nhân quả
- 5 giới
- năm vị tỳ kheo
- bình an
- hoàng hậu
- hữu duyên
- trả nợ
- có hiếu
- nhân ác
- gia đình
- nhân quả thảo mộc
- xả tâm
- đạo đức làm người
- tham lam
- chuyển đổi
- nghiệp báo
- duyên hợp
- con cái
- vay trả
- vui vẻ
- bất hiếu
- sùng đạo
- đòi nợ
- thần kinh
- quả khổ
- cờ bạc
- bệnh tật
Chuyển đổi nhân quả gia đình
Nội dung mô tả
Tóm lại, Đạo Phật dạy đời là khổ để vượt lên cái khổ của cuộc đời, để chuyển hóa cuộc đời vô đạo đức thành đời sống có đạo đức, biến cảnh sống bất an thành hoàn cảnh thuận lợi, chứ không phải là để trốn tránh cái khổ. Muốn vậy, chúng ta phải sống đúng 5 tiêu chuẩn đạo đức làm người, xả tâm trước các đối tượng và vui vẻ làm tròn bổn phận nhân quả của mình, thì sẽ được bình an trong nhân quả.
Quý bạn đọc vui lòng chọn định dạng pdf hoặc epub, rồi nhấn nút “Đọc” ở trên để đọc toàn bộ nội dung bài triển khai tri kiến giải thoát, hoặc xem trực tiếp như sau:
Ngày 25 tháng 10 năm 2019
CHUYỂN ĐỔI NHÂN QUẢ GIA ĐÌNH
Phật tử H.T thưa hỏi
Hỏi: Kính chào sư cô! Sư cô cho con hỏi thêm về nhân quả vợ chồng, con cái. Nếu mình có một người chồng cờ bạc, nghiện ngập, không lo làm ăn, suốt ngày về phá phách, đòi tiền mình thì mình nên chấp nhận hàng ngày phải đưa tiền cho anh ta để trả nhân quả cho xong, hay mình quyết định chia tay (vì mình cũng không còn tình cảm gì với anh ta). Nếu cứ ở lại mà tâm trí mình không thoải mái, không vui vẻ với người ta thì có phải là làm khổ mình khổ cả người ta không ạ? Hay nếu chia tay là mình ích kỷ, sẽ làm khổ cả con cái ạ? Kính mong sư cô bớt chút thời gian chia sẻ giúp con ạ. Con cảm ơn sư cô!
Đáp: Kính gửi chị H.T!
Tất cả mọi vật trên thế gian này đều đang diễn biến theo quy luật nhân quả, mà quy luật nhân quả là quy luật duyên hợp và duyên tan.
Ví dụ 1: Một cái nhà là duyên hợp của kèo, cột, vách, mái, cửa sổ, cửa chính… Khi thành một cái nhà rồi thì theo thời gian, dưới sự tác động của thời tiết, con người, động vật… ngôi nhà sẽ biến đổi: một trận mưa làm tốc mái, rung kèo, thấm vách; bụi bám làm bẩn những bức tường; mưa nắng gắt làm cho mái tôn rỉ sét, thoái hóa; hoặc ai đó làm hỏng nền, hư vách… Nếu những con người sống trong ngôi nhà đó không chăm sóc, bảo vệ, sửa sang, thay thế những thành phần hỏng của ngôi nhà thì ngôi nhà đó sẽ sớm bị tan hoại theo quy luật vô thường của nhân quả. Ngược lại, biết chăm sóc, bảo vệ ngôi nhà, vệ sinh sạch sẽ, hư đâu sửa đó thì ngôi nhà sẽ bền vững, lâu hư hỏng và nó che chở cho chúng ta sống an lành. Cho nên, có câu nói: “Của bền là tại người” là như vậy đó.
Ví dụ 2: Khi gieo một hạt cam xuống đất, nếu hạt cam này hợp với chất đất, nước, không khí, độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng, phân bón, sự chăm sóc của con người… ở đó thì nó sẽ phát triển thành cây cam.
Từ cây cam này, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, dinh dưỡng, và sự chăm sóc mà cây sẽ cho ra những quả cam. Mặc dù các quả cam đều từ cùng một cây, nhưng không quả nào giống quả nào: có quả ngọt, mọng nước; có quả lép; có quả bị ong chích; có quả còn xanh; có quả đã chín vàng; có quả bị ung thối… Có mùa cây cam cho nhiều quả ngon, nhưng mùa sau do chất đất bị bạc màu, con người không chăm sóc kỹ lưỡng, nên có quả bị hư, khô nước, hoặc bị côn trùng phá hoại…
Khi cây cam cho ra những quả cam lép, thoái hóa, nếu con người biết cách chuyển đổi bằng việc bón phân, tưới nước, và bảo vệ cây khỏi côn trùng, thì cây cam sẽ được cải thiện, cho ra những quả cam chất lượng. Thậm chí, con người còn có thể biến cam chua thành cam ngọt, dưa hấu có hạt thành dưa hấu không hạt, táo nhỏ thành táo to… Đó chính là sự chuyển đổi nhân quả.
Khi duyên tan tới, ví dụ như cây cam đã quá già, hoặc bị ảnh hưởng bởi bão lụt, thiên tai, hạn hán, thiếu nước, thiếu chất dinh dưỡng, hoặc bị con người chặt phá, bị chính quyền giải tỏa, hay bị bẻ trộm… thì cây cam sẽ chết.
Đối với gia đình cũng vậy, gia đình là duyên hợp nhân quả bắt đầu từ hành động lấy nhau của 2 vợ chồng, giống như việc hình thành nên một cái cây để từ đó phát sinh ra nhiều nhân quả mới như con cái và những tâm trạng buồn vui, cay đắng, ngọt bùi, hạnh phúc, khổ đau trổ ra tùy theo từng hành động của những thành viên trong gia đình. Có nghĩa là tâm trạng của mỗi thành viên trong gia đình phụ thuộc rất nhiều vào hành động của các thành viên còn lại và cả chính bản thân họ.
Mỗi con người sống trong môi trường nhân quả đều chịu sự tác động của nhiều yếu tố, bao gồm môi trường sống, xã hội, gia đình và chính bản thân họ. Trong đó, ngoài bản thân, gia đình là nơi tác động rõ nhất đến tâm trạng của mỗi thành viên sống trong đó, vì họ phải giao tiếp, va chạm và chung đụng với nhau hàng ngày.
Đối với người chồng, vợ con, cha mẹ và chính bản thân họ là duyên nhân quả; đối với người vợ, chồng con, cha mẹ và chính bản thân họ là duyên nhân quả; đối với con cái, cha mẹ và chính bản thân chúng là duyên nhân quả. Những nhân duyên này sẽ góp phần tạo ra quả khổ vui cho các thành viên. Có nghĩa là, từ gia đình mà những nhân quả trổ ra, như buồn, vui, giận hờn, thương ghét, nghi ngờ, ganh ghét, đố kỵ, hồi hộp, lo lắng, mong chờ, chán nản, hy vọng, thất vọng, giúp đỡ, phá hoại… đều đủ cả. Vì nó tạo ra nhiều nhân quả như vậy, nên chúng ta mới gọi gia đình là một chùm nhân quả vay trả, trả vay, hay nói cách khác, gia đình là một cộng nghiệp nhân quả của các thành viên trong đó. Suy rộng ra, trong môi trường xã hội cũng vậy, nhân quả chỉ có vay và trả mà thôi.
Khi trả nợ nhân quả, mình phải vui vẻ thì nhân quả sẽ chuyển biến, làm cho cuộc sống từ bất ổn trở thành yên ổn, hòa hợp, hạnh phúc và không làm động đến nhau nữa. Còn nếu mình trả nợ nhân quả mà giận hờn, phiền não, chán nản thì nhân quả khổ cứ thế tiếp diễn không bao giờ dứt, vì đó là vừa trả vừa vay thêm nhân ác.
Cũng giống như việc mình vay ngân hàng một số tiền là 10 triệu đồng, mỗi tháng ngân hàng lấy hơn 1 triệu, nếu mình vui vẻ trả nợ thì khoảng gần 1 năm là trả xong nợ và ngân hàng sẽ không còn đòi nợ nữa. Ngược lại, nếu mình không trả mà dùng dằng, thì lãi mẹ đẻ lãi con, không biết bao giờ mới trả xong.
Sống ở đời cũng vậy, nợ nhân quả có thể là vật chất, của cải, hoặc là tâm trạng buồn vui, bệnh tật, hoặc là những trạng thái tu sai lạc vào tà pháp…
Chúng ta hãy xem xét các ví dụ thực tế sau đây để thấy được sự trả vay, vay trả nhân quả:
Ví dụ 1: Khi bị người chồng quát mắng, tức là người vợ đang trả quả khổ. Nếu người vợ buồn phiền, ấm ức, chửi mắng lại, là bị nhân quả tác động và đang tạo nhân ác mới để tiếp tục phải chịu quả khổ trong tương lai. Trong trường hợp này, người vợ vừa trả quả khổ, vừa vay thêm nhân ác.
Ngược lại, khi người chồng quát mắng vợ, tức là người vợ đang trả quả khổ. Nếu người vợ không buồn phiền mà vẫn vui vẻ, thương yêu người chồng đang nóng giận, thì người vợ không bị nhân quả tác động. Điều này có nghĩa là người vợ đã chuyển hóa nhân quả quá khứ, nhưng do không gieo nhân ác hiện tại nên sẽ không bị gặt quả khổ trong tương lai. Trong trường hợp này, người vợ chỉ trả quả mà không vay thêm nhân ác mới.
Ví dụ 2: Có một Phật tử tên C.P hỏi Trưởng lão Thích Thông Lạc về trường hợp cô có một đứa con trai rất ngỗ nghịch, ương bướng, ham chơi, không chịu học, dạy bảo không nghe, thường cãi lại mẹ. Vậy cô phải làm thế nào?
Thầy Thông Lạc trả lời: “Nhân quả chúng sanh sinh ra vốn để đòi nợ, chừng nào con trả xong thì chúng sẽ đi”.
Điều này có nghĩa là, nếu cô vui vẻ trả nhân quả đến khi hết nợ, thì người con của cô C.P sẽ trở nên ngoan ngoãn hoặc sẽ đi tới một môi trường khác, không làm khổ cô nữa.
Ví dụ 3: Cô T nấu cơm phụ giúp tu viện. Cô có một người cháu nuôi thường xuyên cờ bạc, rượu chè, hay đến xin tiền cô. Nếu cô không cho, nó sẽ cáu gắt, quậy phá, đe dọa, làm khổ cô đủ điều. Cô liền thưa với Trưởng lão Thích Thông Lạc: “Thưa Thầy, mỗi lần nó xin tiền thì con có nên đưa không ạ?”.
Trưởng lão trả lời: “Thì con cứ đưa cho nó đi, đó là con đang trả nợ nhân quả mà”. Sau đó, Thầy giải thích thêm:
Có những đứa con, nếu nó nợ mình, thì nó rất ngoan ngoãn, có hiếu, bảo gì nó cũng nghe, luôn chăm học, lo làm ăn, được đồng nào nó đưa cho mình đồng đó. Dù mình đối xử với nó thế nào nó vẫn thương mình.
Ngược lại, có những đứa con mà mình nợ nó thì nó thường quậy phá, trốn học, bỏ học, cờ bạc, rượu chè bê tha, nó làm ăn thua lỗ để mình phải bù đắp, thậm chí còn lấy trộm tiền của mình, hoặc bị bệnh tật để mình phải chăm sóc.
Cho nên, ngoài xã hội, chúng ta thường thấy tình trạng nhiều gia đình có đứa con rất quậy phá, nhưng bố mẹ lại dành hết tình thương cho đứa con này. Trong khi đó, những đứa con chăm lo cho bố mẹ thì lại không được bố mẹ quan tâm.
Thoạt nhìn, điều này có vẻ hơi vô lý. Nhưng nếu xét ở góc độ nhân quả trả vay, thì nó rất hợp lý. Vì bố mẹ nợ đứa con hư nên phải dành hết tình thương và chăm lo cho nó để trả nợ nhân quả. Còn những đứa con ngoan lại nợ bố mẹ, nên dù bố mẹ có hờ hững, chúng vẫn chăm lo cho bố mẹ.
Vì vậy, chúng ta thấy sự vay trả nhân quả rất rõ ràng dưới lốt nghiệp cha mẹ, con cái.
Ví dụ 4: Có người hỏi Trưởng lão Thích Thông Lạc: “Thưa Thầy, có những vị quan tham nhũng, nhưng sao họ lại sống sung sướng như vậy? Tại sao không thấy những người này phải trả nhân quả khổ?”.
Thầy trả lời: “Các con không biết đó thôi. Họ trả nhân quả bằng cách vợ con quậy phá, thậm chí sa vào hút chích, nghiện ngập để lấy đi số tiền mà người này đã biển thủ, tham nhũng của người khác, khiến họ phải chịu khổ đau”.
Ở một tỉnh nọ, có một vị chủ tịch kiêm bí thư tên là V.K.C. Ông giữ chức vụ đứng đầu tỉnh, có rất nhiều quyền lực và giàu có. Tuy nhiên, trong gia đình ông, có một người con trai nghiện ngập. Hễ ông về nhà mà không đưa tiền khi con trai xin, cậu ta sẵn sàng đánh ông. Thậm chí, cậu còn mở két, trộm hàng triệu đô la của ông, khiến ông đành ngậm đắng nuốt cay, không làm gì được.
Điều trớ trêu là, trong xã hội, quyền lực của ông khiến nhiều người khiếp sợ, nhưng trong gia đình, ông phải trả nợ nhân quả với người con trai nghiện ngập, đến mức ông rất sợ cậu ta. Bởi nếu người con làm liều, ông có thể mất mạng.
Ở góc độ nhân quả chúng ta thấy, ông này đã tạo những nhân ác khiến cho ông phải trả quả bằng cách con ông nghiệp ngập, quậy phá, bòn rút tiền của ông, làm cho ông khổ đau vô cùng.
Ví dụ 5: Có người hỏi Trưởng lão Thích Thông Lạc: “Thưa Thầy, Thầy nói những người tham nhũng, trộm cắp, thì kiếp sau phải làm trâu ngựa kéo cày để trả nợ, nhưng thời đại máy móc này làm gì có trâu ngựa kéo cày nữa, thì họ trả nợ bằng cách nào?”.
Thầy trả lời: “Thì họ làm công nhân để trả nợ”.
Chúng ta thấy ở ngoài đời, có những người công nhân làm lụng rất vất vả, đôi khi chỉ nhận những đồng lương rẻ mạt, thậm chí còn bị bóc lột thậm tệ, tước đi rất nhiều quyền lợi, bị quỵt lương, phải làm thêm giờ… mà không thể bỏ việc được, vì họ nghĩ nếu bỏ việc thì họ không có tiền để sống.
Ở góc độ nhân quả, ta thấy giữa người công nhân và ông chủ có một mối quan hệ vay trả. Khi những người công nhân này trả hết nợ, họ sẽ nghỉ việc, không làm ở đó nữa, tức là duyên tan nhân quả.
Ví dụ 6: Trưởng lão Thích Thông Lạc đã kể một câu chuyện trong cuốn sách Hành Thập Thiện và Tứ Vô Lượng Tâm: “Có năm vị Tỳ kheo giả làm người tu hành đắc đạo. Họ đến một vùng đất lạ cất một cái bục cao, che phướn, lọng, rồi một người lên ngồi nghiêm trang, mắt lim dim, còn bốn người kia đi vào làng kêu gọi mọi người đến xem có một vị tiên tu hành đắc đạo, nếu ai đến lễ lạy, cúng dường sẽ được nhiều phước báu. Cứ thế mà họ thay phiên nhau đi quảng cáo đồng bạn của mình để được cúng dường.
Kiếp sau đó, vào thời Đức Phật còn tại thế, có bốn người khiêng kiệu và một người bảo vệ kiệu của Hoàng Hậu đến nghe Phật thuyết pháp. Khi Hoàng Hậu đi nghe pháp thì cởi bỏ vòng vàng, nữ trang để trong kiệu. Năm người phụ trách kiệu xe thì nằm ngủ, ăn trộm đến ăn cắp tất cả nữ trang của Hoàng Hậu. Quân lính cho tra khảo đánh đập tàn nhẫn. Bà đến thỉnh ý Phật về nhân duyên gì mà có chuyện như thế. Đức Phật đáp rằng, năm ông đó kiếp trước là năm thầy tu giả mạo, còn bà là một tín nữ sùng đạo hết lòng cung kính cúng dường họ. Bây giờ họ phải làm lính khiêng kiệu cho bà để đền nợ trước.
Nghe xong, Hoàng Hậu vô cùng kinh hãi, sợ mang tội với thầy nên bảo tha và không cho họ khiêng kiệu nữa. Nhưng họ khóc lóc, quỳ lạy, năn nỉ: “Xin lệnh bà rủ lòng thương xót cho chúng con tiếp tục hầu hạ lệnh bà. Chúng con hứa từ nay sẽ cẩn thận không bao giờ dám ngủ quên như thế…”. Hoàng Hậu thỉnh ý Phật thì Đức Thế Tôn trả lời: “Nghiệp báo, họ trả nợ chưa dứt thì làm sao mà họ ra đi dễ dàng được”.”
Có nghĩa là những người lính khiêng kiệu này trước kia là những vị thầy tu giả mạo đắc đạo, lợi dụng lòng kính ngưỡng của tín nữ sùng đạo để lấy tiền cúng dường, tức là họ đã tạo một nhân mắc nợ người tín nữ này. Kiếp này (thời Đức Phật), người tín nữ năm xưa giờ đã trở thành Hoàng Hậu của một nước, còn năm vị thầy tu trước kia, bây giờ là những người lính khiêng kiệu để trả nợ cho việc lừa lấy tiền cúng dường. Khi nợ chưa trả xong, dù Hoàng Hậu có đuổi đi, họ cũng van xin bà cho ở lại; còn khi đã hết nợ rồi, thì dù không đuổi, họ cũng tự ra đi.
Chúng ta hãy suy ngẫm câu chuyện này để thấy nhân quả không có sai sót chút nào, đã vay là phải trả.
Ví dụ 7: Có một vị Hòa thượng tên là T.V. Đời này, mặc dù gặp chánh pháp, nhưng Hòa thượng tu hành bị ức chế tâm và mắc nhiều bệnh, bị bệnh thần kinh bại liệt, trí nhớ có lúc bị mất, mặc dù nhìn qua thì Hòa thượng sống Phạm hạnh và giữ gìn giới tướng rất tốt. Có Phật tử hỏi Trưởng lão Thích Thông Lạc nguyên nhân gì mà Hòa thượng T.V lại bị nhân quả nặng như vậy?
Trưởng lão trả lời: “Bệnh của thầy T.V là bệnh thần kinh bại liệt do nghiệp căn đời trước. Đời trước thầy cũng dạy người tu thiền định, nhưng lại là thiền định ức chế tâm nên có một số người thần kinh yếu kém, do sự tu tập ức chế tâm quá mạnh nên họ bị rối loạn thần kinh thành bệnh.
Hiện giờ có một số người đang theo tu thiền theo kinh sách phát triển, họ đã bị bệnh thần kinh bại liệt, nhưng chúng ta không biết là vì các chùa đều bưng bít.
Vấn đề quan trọng là ở chỗ nhân quả. Nếu trong đời sống tu hành chúng ta dạy người tu thiền mà có một người bị bệnh này thì chúng ta phải một lần trả quả về bệnh này, nếu có hai người bị bệnh thì phải trả quả hai lần, nếu có 3 người, 4 người, 5 người thì phải trả quả 3, 4, 5 lần bệnh này.
Cho nên, Thầy khuyên các con muốn tu hành thiền định thì hãy chọn cho kỹ lưỡng. Pháp nào ức chế tâm dừng vọng tưởng, tập trung quá mạnh thì không nên tu tập, nếu lỡ thần kinh yếu kém bị bệnh thì rất khổ cho mình và cho những người thân thương của mình.
Bệnh này khi nào thầy T.V trả hết nghiệp thì không còn tái phát nữa”.
Với người tu hành thì sự trả vay nhân quả ở đây không phải là tình cảm hay vật chất giống như người bình thường nữa, mà nhân dạy người tu ức chế thì quả phải trả khiến cho mình tu sai bị bệnh tật, thậm chí ảnh hưởng tới thần kinh rất khổ, khổ gấp ngàn lần so với cái khổ đói cơm thiếu mặc của người đời. Càng làm nhiều người ức chế tâm thì quả báo càng khốc liệt.
Ví dụ 8: Trưởng lão Thích Thông Lạc dạy rằng, người nào hay chia rẽ, thị phi, ly gián, làm cho người nọ ghét người kia, thì quả báo sẽ là sanh vào những nơi thị phi, chia rẽ, ví dụ như: đất nước chiến tranh, bè phái đấu đá; hoặc dòng họ thiếu đoàn kết, anh em kiện tụng liên miên; hoặc những gia đình bất hòa, bố mẹ và con cái cãi nhau suốt ngày, khiến họ phải khổ tâm rất nhiều.
Còn những người chia rẽ sự hòa hợp của người tu hành, nhất là người tu hành đúng chánh pháp, làm cho người ta mất niềm tin vào chánh pháp, vào Đức Phật và Trưởng lão Thích Thông Lạc, vào nền đạo đức nhân bản – nhân quả, thì quả báo sẽ khốc liệt hơn nữa. Chúng ta hãy nghe Trưởng lão Thích Thông Lạc dạy về điều này:
“Phá hoại, ly gián chánh pháp là tội ác tày trời, nhân quả chưa tới, nhưng khi nó tới các con sẽ biết, chỉ một tai nạn giao thông tay chân bị cưa cắt chỉ còn một cục thịt nằm lăn trên sự bài tiết của mình, hoặc đau một cơn bệnh nan y sống dở chết dở, chừng đó các con mới sáng mắt”.
Cho nên, chúng ta phải cẩn thận khẩu hành, vì đó là nơi xuất phát nhân ly gián, chia rẽ, khi thời tiết nhân duyên hội đủ thì quả khổ đau là không bao giờ tránh khỏi.
Ví dụ 9: Có những người thầy thuốc dạy người lột da ếch, làm thịt rắn, lấy máu rùa, nấu xương cốt hổ, giết thịt chúng sanh để làm thuốc và còn viết sách để phổ biến phương pháp này rộng rãi. Trưởng lão Thích Thông Lạc đã nói rằng: Những vị này phải làm thân ếch, thân rắn, thân rùa, thân hổ, thân chúng sanh để trả quả báo bị giết hại, cho đến chừng nào mà sách vở của những vị này bị biến mất khỏi thế gian thì mới được sanh làm người trở lại.
Một quả báo quá khủng khiếp cho người nào giết hại chúng sanh để làm thuốc chữa bệnh và còn viết sách phổ biến những phương pháp này cho nhiều người.
Phần lớn con người trên trái đất này không ai là không ăn thịt chúng sanh, cho nên con người mãi khổ đau là vì thiếu Đức Hiếu Sinh.
Ví dụ 10: Khi đứng trước cảnh sanh ly tử biệt, vì quá đau buồn nên cô L.T viết thư hỏi Trưởng lão Thích Thông Lạc, Thầy trả lời:
“Trong cuộc sống, gia đình là một cộng nghiệp của nhân quả. Vui buồn, khổ đau hay hạnh phúc, phiền não, bất toại nguyện… đều là do sự trả vay, vay trả của nhân quả.
Một cộng đồng nhân quả trong một gia đình, người nào tuổi trẻ mà chết trước là người đó đã trả xong nhân quả trong cộng đồng đó. Khi trả xong dù muốn sống thêm một ngày cũng không thể sống thêm được nữa. Do vậy mới bảo rằng luật nhân quả quá khắc nghiệt.
Cháu T.P cũng vậy, cháu đã trả xong nợ nhân quả, vì thế cháu phải ra đi, ra đi vĩnh viễn vì cháu đã hết nợ trong cộng đồng đó. Riêng các con không thấy được nợ vay của luật nhân quả mà cho đến giờ này còn khóc thương thảm thiết”.
Cho nên, trong gia đình, nếu có một người sống rất tốt, hiếu thuận với cha mẹ, bà con, dòng họ… nhưng nếu hết duyên (trả nợ xong nhân quả) thì người đó cũng sẽ ra đi. Chúng ta phải suy xét cho thật kỹ điều này để hiểu được quy luật nợ vay nhân quả.
Ví dụ 11: Trưởng lão Thích Thông Lạc đã từng nói: “Còn duyên, còn nợ thì Thầy còn ở đây la rầy dạy dỗ các con, chứ hết duyên rồi Thầy sẽ ra đi chứ làm sao ở được!”.
Có nghĩa là Đức Phật hay Trưởng lão Thích Thông Lạc sau khi tu xong thì các Ngài quan sát nhân duyên chúng sanh, nếu có duyên thì các Ngài ở lại hướng dẫn dạy các phương pháp tu hành làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Nếu hết duyên thì các Ngài cũng đành phải ra đi, chứ không thể ở lại, vì hết duyên rồi thì nói chúng sanh sẽ không còn nghe nữa.
Cho nên, Đức Phật mới nói: “Ta chỉ độ người hữu duyên chứ không thể độ người vô duyên được”.
Còn nếu các Ngài muốn ở lại thì phải tiếp tục tạo duyên mới để giáo hóa.
Như vậy, chúng ta xét qua những ví dụ này để thấy rằng nhân quả là sự vay trả, chỉ có vui vẻ trả nhân quả thì nhân quả mới hết. Ngược lại, nếu buồn phiền, tức giận thì nhân quả khổ cứ tiếp diễn mãi không dứt. Không trả lúc này thì phải trả lúc khác, không trả với những người trong gia đình thì phải trả với những người ngoài xã hội, không đời này thì đời khác, không bao giờ tránh khỏi.
Trong thư chị H.T viết: “Nếu mình có một người chồng cờ bạc, nghiện ngập, không lo làm ăn, suốt ngày về phá phách, đòi tiền mình thì mình nên chấp nhận hàng ngày phải đưa tiền cho anh ta để trả nhân quả cho xong, hay mình quyết định chia tay (vì mình cũng không còn tình cảm gì với anh ta). Nếu cứ ở lại mà tâm trí mình không thoải mái, không vui vẻ với người ta thì có phải là làm khổ mình khổ cả người ta không ạ?”. Trường hợp gia đình chị không nằm ngoài quy luật nhân quả, nghĩa là có vay thì có trả, chồng chị là một nhân duyên để chị phải trả quả khổ, nên chị hãy vui vẻ trả và chuyển đổi nhân quả này như sau:
˗ Thứ nhất: Chị nên sống đúng với 5 tiêu chuẩn đạo đức nhân bản làm người để bồi đắp gốc thiện, nhờ đó sẽ chuyển hóa nhân quả. Điều này giống như cây cam cho ra những quả chua, quả khô lép, nếu được bón phân, tưới nước, ghép cành và bổ sung những dưỡng chất cần thiết thì cây sẽ chuyển hóa, tạo ra những quả cam ngọt và mọng nước.
˗ Thứ hai: Chị hãy xả tâm bằng cách chánh tư duy: Đã có quả là phải có nhân, không thể nào có quả mà không có nhân được. Quả là những gì nhận được từ hoàn cảnh và những diễn biến trên thân tâm của mình; còn nhân là từ trường hành động mình đã gieo từ thân, khẩu, ý. Gia đình là chùm nhân quả, ở đó: “Người chồng cờ bạc, nghiện ngập, không lo làm ăn, suốt ngày về phá phách, đòi tiền mình” là duyên để hợp thành quả khổ trổ ra tương ưng với nhân nghiệp ác mà mình đã tạo trong quá khứ, tức là mình đang trả quả. Vay thì trả, cớ sao mình lại trốn chạy? Nếu trốn chạy, tức là nợ chưa dứt, nợ chưa dứt thì làm sao hết khổ. Chị hãy tác ý: “Đây là nhân quả, ta hãy vui vẻ trả món nợ nhân quả này trong tình thương yêu và tha thứ!”.
Lúc này, chị hãy đưa cho chồng chị số tiền mà anh ta cần, nhưng khéo léo nhắc nhở: “Nếu anh tu chí làm ăn chân chính thì em sẽ đưa tiền cho anh, vì tiền em kiếm được rất cực khổ, với lại còn con cái nữa, anh cũng phải có trách nhiệm. Hơn nữa, gia đình cũng phải đề phòng ốm đau bệnh tật chứ anh!”. Chị nhắc nhở nhẹ nhàng như vậy, nhưng giữ tâm bình thản. Nếu anh ta có sử dụng số tiền đó vào việc ăn chơi, phá phách… thì chị cũng không buồn phiền, mà chị hãy coi như đó là món nợ nhân quả mà chị phải trả.
Như vậy, chị vừa phải đấu tranh với nội tâm, vừa phải đối phó với ngoại cảnh. Điều này có nghĩa là chị vừa trả nợ về vật chất nhưng không vay nợ phiền não, tức là biết xả tâm. Đến một ngày, khi trả xong nợ nhân quả, người chồng sẽ tu chí làm ăn, thương yêu vợ con trở lại, đó là chuyển đổi nhân quả; hoặc anh ta có bệnh rồi chết, hoặc chủ động bỏ đi để chị không phải khổ, đó là duyên tan nhân quả.
Trưởng lão Thích Thông Lạc có nêu một ví dụ: Bây giờ thấy người ta đổ rác làm bẩn nhà mình, mình tức giận tức là mình bị nhân quả chuyển, chuyển từ nhân đến quả. Còn mình chuyển nhân quả thì mình không tức giận, mà lặng lẽ quét cho sạch, do đó mình trả hết nợ nhân quả đời trước. Khi nhân quả trả hết thì không bao giờ người ta làm bẩn trong nhà mình nữa.
Còn nếu chị suy tư theo lối thường tình thế gian: “Hay mình quyết định chia tay (vì mình cũng không còn tình cảm gì với anh ta). Nếu cứ ở lại mà tâm trí mình không thoải mái, không vui vẻ với người ta thì có phải là làm khổ mình khổ cả người ta không ạ?”, làm như vậy chỉ để thỏa lòng bất mãn của mình, tức là chị bị nhân quả chuyển, lúc này chị sẽ trôi dạt trong nhân quả. Chị nên nhớ một điều: nếu chưa trả xong nhân quả, thì dù chị có chia tay chị cũng sẽ gặp người khác để họ tiếp tục làm khổ chị, thậm chí đời này chưa xong, đời sau còn phải trả tiếp.
Đến đây chúng ta thấy rất rõ, khi ác pháp tác động mà mình vui vẻ, không phiền não, tức là ác pháp không tác động được, ác pháp không tác động được có nghĩa là chúng ta đã chuyển được quả khổ trong quá khứ. Đồng thời, do không gieo nhân ác hiện tại nên chấm dứt quả khổ trong tương lai. Đó chính là ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp để thực hiện đời sống không làm khổ mình khổ người.
Như vậy, sống không làm khổ mình khổ người là chuyển hóa nhân quả trong ba thời: quá khứ, hiện tại, vị lai, biến cảnh thế gian thành Thiên đàng, Cực lạc, đó chính là mục đích tu hành của Phật giáo.
Từ trải nghiệm trên chính bản thân và gia đình thì chị có thể rút ra một điều: Ở đâu có đạo đức thì ở đó không có khổ đau, ở đâu thiếu đạo đức thì ở đó có khổ đau. Đạo đức là những hành động sống không làm khổ mình khổ người. Con người làm khổ cho nhau chỉ vì thiếu đạo đức mà thôi. Nếu không sống đạo đức thì con người mãi mãi làm khổ cho mình, cho người và cho muôn loài chúng sanh.
Đến đây, chúng ta hãy hướng tâm về Đức Phật Thích Ca, người đã 6 năm trời khổ hạnh để tìm ra chân lý giải thoát khổ đau cho loài người và Trưởng lão Thích Thông Lạc, người đã tu chứng, dựng lại chánh pháp của Đức Phật sau hơn 2500 năm bị mai một, thắp sáng lên ngọn đèn đạo đức nhân bản – nhân quả, sống không làm khổ mình khổ người cho nhân loại trên hành tinh này với một lòng kính ngưỡng sâu sắc, rồi chúng ta hãy lắng tâm lại trong phút giây thanh thản, an lạc, vô sự và thầm quyết tâm nhắc nhở bản thân: “Con nguyện nương theo gương hạnh của Đức Phật, Trưởng lão Thích Thông Lạc để thực hiện trọn vẹn đạo đức không làm khổ mình khổ người, nhằm giải thoát tâm mình ra khỏi mọi sự khổ đau của kiếp sống làm người”.
Tóm lại, Đạo Phật dạy đời là khổ để vượt lên cái khổ của cuộc đời, để chuyển hóa cuộc đời vô đạo đức thành đời sống có đạo đức, biến cảnh sống bất an thành hoàn cảnh thuận lợi, chứ không phải là để trốn tránh cái khổ. Muốn vậy, chúng ta phải sống đúng 5 tiêu chuẩn đạo đức làm người, xả tâm trước các đối tượng và vui vẻ làm tròn bổn phận nhân quả của mình, thì sẽ được bình an trong nhân quả.
TM. Ban Biên Tập
Sc. Nguyên Thanh
Leave a Comment
Tóm lại, muốn thấy được gốc rễ cần phải nhìn xuyên qua cành lá, muốn hiểu được bản chất của vấn đề thì phải nhìn xuyên qua các hiện tượng. Con người trên thế gian này hạnh phúc hay khổ đau, bệnh tật hay khỏe mạnh đều do hạnh nghiệp nhân quả mà ra. Vì vậy, hãy tự mình thắp lên ngọn đuốc đạo đức nhân quả, sống không làm khổ mình khổ người, mới có thể chuyển đổi được nghiệp khổ thành cuộc sống hạnh phúc, an vui, giải thoát.
Tóm lại, pháp tu của người già là ngồi chơi xả tâm, tức là tu Tứ Niệm Xứ trên Tứ Niệm Xứ. Khi có chướng ngại nào xảy ra trên bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp, thì dùng pháp Như Lý Tác Ý đuổi đi cho thật sạch để bảo vệ chân lý thanh thản, an lạc, vô sự. Cứ siêng năng tu tập đến khi tâm đủ nội lực bất động trước cận tử nghiệp thì không còn tái sanh luân hồi.
Tóm lại, hàng ngày trong mọi công việc chúng ta cần nương theo thân hành để tập Chánh Niệm Tĩnh Giác, nhờ sức tĩnh giác này mà tâm bình tĩnh dùng tri kiến đạo đức nhân bản – nhân quả điều khiển hành động thân, khẩu, ý không làm khổ mình khổ người, đó chính là “sống là tu, tu là sống” để đem lại sự hạnh phúc, an vui cho mình và mọi người.
Tóm lại, lòng từ như cơn gió mát, thổi đến đâu sẽ xua tan đi cái nóng bức, ngột ngạt tỏa ra từ tâm sân hận đến đó. Cho nên, chúng ta cần phải cố gắng trau dồi lòng từ trong các hành động sống hàng ngày để lòng từ là mình, mình là lòng từ, thì tâm ta sẽ không còn chướng ngại và dung thông với vạn hữu trong tình thương yêu và tha thứ. Nếu thực hành được như vậy, cuộc sống của chúng ta ngày càng trở nên vui tươi, hạnh phúc và bình an.
Tóm lại, tầm là tư duy suy nghĩ, tứ là tác ý. Tầm, tứ thuộc về ý thức của con người, là công cụ quan trọng nhất để tu hành, cho nên chúng ta không diệt tầm tứ, mà sử dụng tầm tứ để dẫn tâm vào đạo bằng cách triển khai tri kiến phân biệt cho thật rõ pháp nào là ác, pháp nào là thiện, rồi dùng pháp Như Lý Tác Ý đoạn dứt pháp ác, an trú tâm trong pháp thiện, xây dựng cho mình cuộc sống hạnh phúc, an vui, giải thoát.
Tóm lại, trong giao tiếp với mọi người thì phải chánh niệm tĩnh giác quán xét cả nội tâm lẫn ngoại cảnh, tức là biết toàn diện, biết toàn diện là nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả để ứng xử với nhau trên tinh thần không làm khổ mình khổ người, thì sẽ khắc phục được vấn đề chen ngang và áp đặt ý kiến của mình lên người khác, đó là làm chủ lời nói.
Như vậy, đối với một người còn sống giao tiếp thì giữ 5 tiêu chuẩn đạo đức làm người, nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả, thỉnh thoảng thọ Bát Quan Trai để thực hiện đời sống không làm khổ mình khổ người, sống không làm khổ mình khổ người là giới luật, mà giới luật chính là nền tảng đạo đức, là cội gốc của thiền định, là bông trái của trí tuệ, do vậy đời sống đạo đức rất quan trọng đối với người tu hành giải thoát.
Tóm lại, sự bố thí, làm từ thiện phải thực hiện đúng lộ trình nhân quả: nếu chúng sanh sống thiện mà gặp khó khăn thì chúng ta nên giúp đỡ để họ tiếp tục sống thiện; còn nếu chúng sanh sống ác mà gặp khó khăn thì ta nên để họ tự trả nhân quả; nếu chúng ta giúp đỡ chúng sanh mà tạo duyên phát sinh ác pháp cản trở tức là chúng sanh chưa đủ duyên phước để nhận sự giúp đỡ này, thì chúng ta nên dừng lại, hoặc là khuyên nhủ họ nên sống thiện bồi đắp phước đức để chuyển đổi nhân quả.
Tóm lại, pháp sai chứ người không sai. Vì pháp sai nên làm cho con người bị ức chế tâm trong hình thức giới luật, tiến lên thì không được mà lùi xuống thì phạm giới, nên kiểu gì cũng bị khổ đau. Còn khi gặp đúng chánh pháp, giúp chúng ta biết cách triển khai tri kiến xả tâm, ly dục ly ác pháp, hóa giải mọi chướng ngại trong lòng để tâm trở về trạng thái thanh thản, an lạc, vô sự, vượt qua nhân quả, vững bước tiến lên trên con đường giải thoát.
Tóm lại, nghiệp tương ưng tái sanh luân hồi, tạo ra sự sống mới, khổ đau hay hạnh phúc đều do hạnh nghiệp mà ra. Nghiệp do tâm tạo, cho nên chúng ta phải biết thương tâm nghiệp lực của mình, thương tâm nghiệp lực của mình thì phải biết triển khai tri kiến nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả để sống không làm khổ mình khổ người thì sẽ tiến hóa trên con đường thiện, giải thoát tâm mình ra khỏi mọi sự khổ đau và chấm dứt tái sanh luân hồi.
Tóm lại, càng siêng năng quét nhà thì nhà càng sạch, càng siêng năng xả tâm thì tâm càng sáng. Muốn tâm thanh tịnh thì phải trực tiếp trong mọi cảnh phản tỉnh tâm mình, luôn ngăn ác diệt ác pháp để tâm không còn chướng ngại, nên tâm dung thông với vạn hữu trong tình thương yêu và tha thứ, đó chính là hạnh phúc chân thật của cuộc đời.
Tóm lại, bậc làm cha mẹ hãy đứng trên lập trường đạo đức nhân quả để nuôi dạy các con của mình biết ăn chay vì đức hiếu sinh theo tinh thần 5 tiêu chuẩn đạo đức làm người, biết thương yêu chia sẻ sự sống với mọi người, biết trau dồi lòng từ để rèn luyện sức tĩnh giác, biết giữ gìn vệ sinh môi trường sống và hướng theo chánh nghiệp để xây dựng cho mình một cuộc sống hạnh phúc, bình an, no ấm.
Tóm lại, dục và ác pháp là nguyên nhân gây ra sự khổ đau cho con người. Để ly dục ly ác pháp thì chúng ta cần phải thực tập và rèn luyện theo đúng lộ trình Bát Chánh Đạo. Khi tâm ly dục ly ác pháp thì trạng thái bất động, thanh thản, an lạc, vô sự hiện ra, đó chính là chân lý giải thoát của Đạo Phật.
Tóm lại, lòng yêu thương phải có trí tuệ nhân quả soi sáng thì mới gọi là lòng yêu thương đúng chỗ, cho nên Trưởng lão Thích Thông Lạc dạy chúng ta: đạo đức nhân bản – nhân quả, sống không làm khổ mình khổ người và khổ chúng sanh, đó là phát triển lòng thương yêu đúng lộ trình nhân quả.
Tóm lại, chị hãy lấy tình thương của người mẹ để nuôi dưỡng tâm hồn giải thoát của các con, cùng nhau thắp sáng lên ngọn đèn đạo đức nhân bản – nhân quả, sống không làm khổ mình khổ người để bước đi vững chắc trên đường về xứ Phật.
Tri Kiến Giải Thoát
4 ngày trước
"Có một Phật tử tên C.P hỏi Trưởng lão Thích Thông Lạc về trường hợp cô có một đứa con trai rất ngỗ nghịch, ương bướng, ham chơi, không chịu học, dạy bảo không nghe, thường cãi lại mẹ. Vậy cô phải làm thế nào?
Thầy Thông Lạc trả lời: “Nhân quả chúng sanh sinh ra vốn để đòi nợ, chừng nào con trả xong thì chúng sẽ đi”.
Điều này có nghĩa là, nếu cô vui vẻ trả nhân quả đến khi hết nợ, thì người con của cô C.P sẽ trở nên ngoan ngoãn hoặc sẽ đi tới một môi trường khác, không làm khổ cô nữa." (Sc. Nguyên Thanh)
Các tương tác cảm xúc
Tri Kiến Giải Thoát
4 ngày trước
"Khi bị người chồng quát mắng, tức là người vợ đang trả quả khổ. Nếu người vợ buồn phiền, ấm ức, chửi mắng lại, là bị nhân quả tác động và đang tạo nhân ác mới để tiếp tục phải chịu quả khổ trong tương lai. Trong trường hợp này, người vợ vừa trả quả khổ, vừa vay thêm nhân ác.
Ngược lại, khi người chồng quát mắng vợ, tức là người vợ đang trả quả khổ. Nếu người vợ không buồn phiền mà vẫn vui vẻ, thương yêu người chồng đang nóng giận, thì người vợ không bị nhân quả tác động. Điều này có nghĩa là người vợ đã chuyển hóa nhân quả quá khứ, nhưng do không gieo nhân ác hiện tại nên sẽ không bị gặt quả khổ trong tương lai. Trong trường hợp này, người vợ chỉ trả quả mà không vay thêm nhân ác mới." (Sc. Nguyên Thanh)
Các tương tác cảm xúc
Tri Kiến Giải Thoát
4 ngày trước
"Đối với người chồng, vợ con, cha mẹ và chính bản thân họ là duyên nhân quả; đối với người vợ, chồng con, cha mẹ và chính bản thân họ là duyên nhân quả; đối với con cái, cha mẹ và chính bản thân chúng là duyên nhân quả. Những nhân duyên này sẽ góp phần tạo ra quả khổ vui cho các thành viên. Có nghĩa là, từ gia đình mà những nhân quả trổ ra, như buồn, vui, giận hờn, thương ghét, nghi ngờ, ganh ghét, đố kỵ, hồi hộp, lo lắng, mong chờ, chán nản, hy vọng, thất vọng, giúp đỡ, phá hoại… đều đủ cả. Vì nó tạo ra nhiều nhân quả như vậy, nên chúng ta mới gọi gia đình là một chùm nhân quả vay trả, trả vay, hay nói cách khác, gia đình là một cộng nghiệp nhân quả của các thành viên trong đó. Suy rộng ra, trong môi trường xã hội cũng vậy, nhân quả chỉ có vay và trả mà thôi." (Sc. Nguyên Thanh)
Các tương tác cảm xúc
Tri Kiến Giải Thoát
4 ngày trước
“Trong cuộc sống, gia đình là một cộng nghiệp của nhân quả. Vui buồn, khổ đau hay hạnh phúc, phiền não, bất toại nguyện... đều là do sự trả vay, vay trả của nhân quả.
Một cộng đồng nhân quả trong một gia đình, người nào tuổi trẻ mà chết trước là người đó đã trả xong nhân quả trong cộng đồng đó. Khi trả xong dù muốn sống thêm một ngày cũng không thể sống thêm được nữa. Do vậy mới bảo rằng luật nhân quả quá khắc nghiệt." (Trưởng lão Thích Thông Lạc)
Các tương tác cảm xúc
Tri Kiến Giải Thoát
4 ngày trước
"Khi trả nợ nhân quả, mình phải vui vẻ thì nhân quả sẽ chuyển biến, làm cho cuộc sống từ bất ổn trở thành yên ổn, hòa hợp, hạnh phúc và không làm động đến nhau nữa. Còn nếu mình trả nợ nhân quả mà giận hờn, phiền não, chán nản thì nhân quả khổ cứ thế tiếp diễn không bao giờ dứt, vì đó là vừa trả vừa vay thêm nhân ác." (Sc. Nguyên Thanh)
Các tương tác cảm xúc