Nội dung mô tả
Tóm lại, bằng mọi giá phải giữ cho được thân người, vì chỉ ở thân người thì mới có bộ óc biết triển khai tri kiến phân biệt thiện ác, đủ điều kiện tu hành giải thoát, còn làm thân chúng sanh sống theo bản năng nghiệp lực đưa đẩy nên không thể tu hành. Muốn giữ được thân người thì phải chấm dứt vay nợ xương máu chúng sanh, muốn chấm dứt vay nợ xương máu chúng sanh thì phải thiện xảo trau dồi Đức Hiếu Sinh và thực hiện hạnh ăn chay trong đời sống hàng ngày.
Quý bạn đọc vui lòng chọn định dạng pdf hoặc epub, rồi nhấn nút “Đọc” ở trên để đọc toàn bộ nội dung tư liệu hoặc xem trực tiếp như sau:
Ngày 27 tháng 6 năm 2023
KHỞI ĐỘNG ĂN CHAY
Câu hỏi của chú P.T
Hỏi: Sư cô ơi, giúp cho con bài pháp để khởi động việc ăn chay. Con cảm ơn sư cô!
Đáp: Kính gửi chú P.T!
Chỉ khi có thân người mới đủ điều kiện để tu hành thoát khổ, vì ở lốt nghiệp thân người thì mới đủ duyên có trí tuệ phân biệt thiện ác, nhờ có trí tuệ phân biệt thiện ác thì mới tu hành giải thoát được.
Cho nên, điều đầu tiên theo Đạo Phật là phải có được thân người, muốn có được thân người thì đừng vay nợ xương máu của chúng sanh, muốn không vay nợ xương máu chúng sanh thì phải chấm dứt những hành động làm tổn hại đến sự sống của chúng sanh, muốn không làm tổn hại đến sự sống của chúng sanh thì phải hiểu rõ nhân làm tổn hại đến sự sống của chúng sanh sẽ đưa đến quả khổ đau ra sao?
Chúng ta sẽ xét nhân quả trực tiếp sát sanh, nhân quả ăn thịt chúng sanh và nhân quả thèm thịt chúng sanh để thấy được nhân quả vay nợ xương máu chúng sanh trong từng hành động thân, miệng, ý khốc liệt như thế nào.
Khi phân tích nhân quả thảo mộc thì chúng ta biết rằng, từ nhân tương ưng với các duyên hợp thành quả, gieo nhân nào cho ra quả nấy, một nhân có thể cho ra nhiều quả, trong một quả có thể chứa nhiều nhân.
Trong sự sống của con người có sự sống của thảo mộc, trong sự sống của thảo mộc có sự sống của con người, cho nên con người và thảo mộc phải cùng một quy luật giống nhau. Do đó, lấy thảo mộc để chứng minh cho con người thì không có gì sai khác.
Nhân quả con người xuất phát từ ba chỗ, đó là thân, khẩu, ý, ba chỗ này tạo tác thiện thì con người sẽ nhận lại quả hạnh phúc, an vui, còn ba chỗ này tạo tác ác thì con người sẽ nhận lại quả khổ đau. Hành động con người tạo nhân là từ trường nghiệp thiện ác, nghiệp thiện ác sẽ tương ưng hợp với các duyên trong môi trường sống để nhận lại quả vui hay khổ.
Cho nên, thân, khẩu, ý còn tạo nghiệp ác vay nợ máu chúng sanh thì con người sẽ không thể nào thoát khỏi sự khổ đau.
• Đối với hành động trực tiếp sát sanh như cầm dao cắt cổ con gà thì con gà sẽ đau đớn, quằn quại, giãy giụa, rồi chết. Trong quả con gà bị chết có từ trường hành động của người giết hại con gà là nhân, từ trường này sẽ tương ưng tái sanh làm nhiều con gà để bị cắt cổ trở lại. Con gà bị người giết, nó đau đớn, quằn quại, giãy giụa cũng sẽ phóng ra từ trường đau khổ, từ trường này sẽ tương ưng với nghiệp của người cầm dao cắt cổ con gà, khi đủ duyên thì người giết gà sẽ bị tai nạn, bệnh tật trên thân tương ưng với nghiệp khổ đã tạo cho con gà, không thể nào tránh khỏi.
Nhưng chưa hết, nếu con gà đó có những con gà con, khi gà mẹ chết thì những con gà con sẽ bơ vơ, lạc lõng, mồ côi, không còn chỗ nương tựa, cuộc sống rất mong manh, dễ bị những con vật khác ăn thịt. Như vậy, con gà mẹ bị giết sẽ đẩy cả đàn gà con vào cảnh khốn cùng. Nghiệp khó khăn của những con gà con cũng sẽ tương ưng với nghiệp của người giết gà để họ phải trả quả đau khổ, khốn cùng như vậy.
Cho nên, khi một người bị bệnh thì bản thân họ đau khổ, tốn tiền, người thân lo lắng, mất ăn mất ngủ, bỏ công ăn việc làm để chăm sóc, có khi phải tán gia bại sản mà vẫn không chữa hết bệnh. Đó không phải là quả phải trả do hành động ác giết hại chúng sanh gây ra sao?
Từ hành động ác giết hại chúng sanh mà tạo ra rất nhiều quả khổ, những quả khổ này tương ưng với nghiệp của người đã tạo ra bi kịch khổ đau đó để khi thời tiết nhân duyên hội đủ, họ cũng không thể nào tránh khỏi sự khổ đau như đã gây ra với loài chúng sanh.
Nhiều người do vô minh nên thường xuyên giết hại chúng sanh, biến chúng sanh làm thực phẩm cho mình và mọi người ăn, tạo nghiệp sát hại chúng sanh chồng chất, tức là họ sống bằng cách vay nợ xương máu chúng sanh, thì nghiệp ác đó phải tái sanh làm vô số chúng sanh để bị cắt cổ, nhổ lông, đập đầu trở lại; và trên chính bản thân người đó phải lãnh hết những quả tai nạn, bệnh tật, tâm bất an… do thân nhân quả cộng với nghiệp khổ của chúng sanh bị giết hại bằng chính đôi tay của mình.
Có những người bị ngã đập đầu xuống đất, khiến dây thần kinh tổn thương, nên bị bệnh hơn 10 năm đi đứng không được, tiểu tiện khó khăn, đời sống không tự chủ được, đó không phải là quả khổ do vặn giò, bẻ cổ, đập đầu chúng sanh sao?
Vay nợ xương máu chúng sanh thì phải tái sanh làm thân chúng sanh để trả nợ xương máu, một nhân sanh ra nhiều quả. Một con gà tuổi thọ của nó cũng cỡ 5-10 năm, mà trong đời sống của một người nội trợ đã giết bao nhiêu con gà thì phải trả nợ biết bao lâu mới trở lại được thân người, đó là chưa kể họ còn vay nợ xương máu tôm, cá, heo, dê… thì biết bao giờ mới trả xong món nợ này. Một sự vay trả rùng rợn, dã man, vay xương máu thì phải trả nợ xương máu.
Cho nên, chúng ta cần phải chấm dứt những hành động vay nợ máu xương của chúng sanh để khỏi phải trả quả khổ đau thê thảm.
• Người ăn thịt chúng sanh, không trực tiếp sát sanh, thì nghiệp người này tương ưng với chuỗi những duyên cung ứng thịt chúng sanh, từ người trực tiếp ra tay sát sanh cho đến người vận chuyển, người chế biến thịt chúng sanh cộng nghiệp khổ đau với con vật bị giết hại. Có nghĩa là từ trường đau đớn, kêu la, sợ hãi, giãy giụa, hận thù của con vật bị giết sẽ tương ưng với chuỗi những duyên liên quan đến sự giết hại và ăn thịt con vật này. Cho nên, những người ăn thịt chúng sanh cũng cộng nghiệp khổ với con vật để khi thời tiết nhân duyên hội đủ, họ sẽ lãnh quả tai nạn, bệnh tật để nhận cảm thọ đau đớn như con vật bị giết làm thức ăn cho mình vậy, không những bệnh tật trên thân mà cả sự bất an trong tâm.
Những người ăn thịt tâm họ thường bất an do cộng nghiệp với từ trường sợ hãi, lo lắng, đau khổ của con vật khi bị giết, dù mình chỉ gián tiếp qua hành động ăn uống.
Mặt khác, con vật trước khi bị giết thì đau đớn tận cùng, nên cơ thể tiết ra chất độc khiến cho người ăn thịt chúng sanh cũng sẽ bị nhiễm độc, khi tích tụ đủ độc tố thì sanh ra bệnh tật.
Cho nên, con vật bị giết để cho người ăn thịt, thì từ trường đau khổ đó sẽ tương ưng với nghiệp của những người giết, chế biến và ăn thịt nó, nên những người này cũng không thoát khỏi quả tai nạn, bệnh tật trên thân và sự bất an trong tâm của mình.
Vì vô minh chúng ta nuôi sống thân mạng bằng sự đau khổ của chúng sanh thì mang lại quả khổ cho bản thân và gia đình như Thầy Thông Lạc đã dạy: “Trong khi các loài vật khác giãy giụa, kêu la, gào thét, rên xiết, quằn quại trên bàn tay đẫm máu của loài người thì lúc bấy giờ chúng ta chè chén vui chơi thỏa thích, mà vô tình không nghĩ đến nỗi đau thương ấy.
Chúng ta đâu biết rằng luật nhân quả sẽ không tha thứ cho một ai. Nếu kẻ đó chuyên làm ác giết hại và đem thịt, da, xương, máu của chúng sanh ra bán lấy tiền hoặc nấu nướng, chiên xào, hầm, kho luộc, v.v.. thành thực phẩm chi dụng cho cuộc sống hằng ngày của mình, hoặc ăn uống nhậu nhẹt vui chơi thỏa thích, trong lúc đó cuộc sống hiện tại của chúng ta sẽ có nhiều sự kiện xảy ra tai nạn, bệnh tật, khổ đau không chỉ có bản thân mình mà cả chùm nhân quả như cha, mẹ, vợ, con…”.
• Nếu thân không sát sanh, miệng không ăn thịt chúng sanh mà ý thèm thịt chúng sanh thì như Thầy Thông Lạc đã dạy: “Chúng ta ăn thịt lâu ngày thành thói quen ăn thịt, thói quen ăn thịt tức là nghiệp lực nên khi ăn uống không có thịt chúng sanh thì ăn uống không ngon, do đó nghiệp thích ăn thịt chúng sanh vẫn còn nên tương ưng với thịt chúng sanh mà tái sanh làm chúng sanh, một nghiệp lực như vậy có thể sanh ra làm trăm muôn con vật để rồi tiếp tục sanh tử theo nghiệp của nó, vay trả trả vay, còn những nghiệp lực thiện cũng tiếp tục tái sanh làm người, một nghiệp lực thiện có thể sanh ra nhiều người tùy theo môi trường sống của hành tinh, tức là môi trường nhân quả trên quả địa cầu này”.
Chỉ cần khởi ý thèm thịt chúng sanh thì nó tạo nghiệp tương ưng tái sanh làm thân chúng sanh. Do đó, chúng ta không những đoạn dứt sát sanh và từ bỏ ăn thịt chúng sanh mà còn phải diệt trừ nghiệp thèm thịt chúng sanh, vì nghiệp này đã được huân tập thành khối, nên nó có một sức lực rất mạnh tác động vào ý thức khởi tâm thèm muốn.
Những hành động sát sanh, ăn thịt chúng sanh, ý nghĩ thèm thịt chúng sanh sẽ tạo nghiệp vay nợ xương máu chúng sanh, huân tập sự đau khổ vào thân tâm của mình, nên phải tái sanh làm thân chúng sanh để trả nợ xương máu, khi trả xong thì mới có được thân người.
Bây giờ chúng ta đã có được thân người thì phải giữ cho bằng được thân người, chứ đừng để mất đi rồi thì khó kiếm lại được, vì “thân người khó được, khó như con rùa mù tìm bọng cây giữa biển khơi”.
Tất cả những thành tựu của đời người phải được đặt trên nền tảng giữ vững được thân người, đừng bao giờ vì bất cứ lý do gì mà đánh mất thân người, vì mất thân người thì phải thọ lấy thân chúng sanh, thọ lấy thân chúng sanh thì không thể phân biệt thiện ác, chỉ còn sống theo bản năng nghiệp lực thúc đẩy mà thôi, sống theo bản năng thì không thể nào tu hành được, nên cuộc sống của loài chúng sanh hết sức khổ đau, sự sống chết thường phó mặc cho nghiệp lực, chứ không thể nào làm chủ được.
Nguyên Thanh xin nêu những ví dụ về nhân quả vay nợ xương máu chúng sanh được Trưởng lão Thích Thông Lạc xác chứng:
˗ Ví dụ 1: Vụ khủng bố vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) ở thành phố New York, Mỹ, ngày 11/9/2001, lúc đó trong văn phòng Thầy Thông Lạc nói với Nguyên Thanh: “Khi những người đó chết, Thầy nhìn thấy rất nhiều tôm cá được sanh ra hàng loạt”, có nghĩa là nghiệp của những người bị chết ở trung tâm thương mại đó đã tái sanh làm nhiều loài tôm cá, chứ không được làm người. Những người làm ở Trung tâm Thương mại Thế giới WTC là những người được ăn học đầy đủ, những doanh nhân thành đạt, đó là cái phước của họ, nhưng họ bị trả quả chết trong sự khủng bố và phải tái sanh làm thân tôm cá thì chứng tỏ đời sống của họ đã vay nợ xương máu chúng sanh rất nhiều.
Cho nên, nhân quả công bằng đến mức khắc nghiệt, nếu người đó gieo nhân làm phước, bố thí, cúng dường, giúp đỡ những người bất hạnh hoặc làm lợi ích cho cuộc đời thì sẽ được hưởng quả giàu sang, thành đạt; còn nếu gieo nhân vay nợ xương máu chúng sanh thì phải tái sanh làm thân chúng sanh để trả nợ xương máu.
˗ Ví dụ 2: Cô D.M có người con sống ở bên Đức, người con này sinh ra đứa bé có hình hài kỳ dị giống như cục thịt và được cô D.M mang đứa cháu đó về nhà ở Việt Nam chăm sóc. Nguyên Thanh có hỏi Thầy Thông Lạc về nhân quả đứa cháu đó, thì Thầy trả lời: “Đứa bé này ngày xưa có bố thí, nhưng sát sanh nhiều, nên đời nay thọ lấy thân người thiếu căn, nhưng vẫn được người ta chăm sóc đầy đủ”.
˗ Ví dụ 3: Báo chí đăng tin có những thú cưng được hưởng cuộc sống xa hoa hơn cả con người, như chú mèo Choupette được Karl Lagerfeld, Giám đốc sáng tạo quá cố của hãng Chanel, được nuôi dưỡng trong nhung lụa và được thừa kế số tài sản rất lớn là 13 triệu USD. Chú mèo đó có phước hữu lậu nhờ đời trước có hành bố thí, nhưng tạo nghiệp ăn thịt chúng sanh nên phải tương ưng tái sanh dưới lốt nghiệp thân mèo nhưng vẫn hưởng phước hữu lậu đầy đủ.
Loài động vật sống theo bản năng, chúng không biết phân biệt thiện ác, nên không thể nào tu để làm chủ nhân quả và giải thoát được, cho nên muốn tu hành giải thoát thì phải giữ được thân người.
˗ Ví dụ 4: Những con vật sống trong tu viện như mèo, chó, Thầy Thông Lạc nói đời trước chúng là những người tu, nhưng vì tu sai, dù miệng ăn chay nhưng thân và ý phạm giới sát sanh, nên phải làm thân chúng sanh chứ không được làm người.
˗ Ví dụ 5: Thầy Thông Lạc nói rằng: Có những người tu theo ngoại đạo (luyện bùa chú…), mà không giữ Đức Hiếu Sinh, nên tái sanh làm những loài thú có tánh linh như hổ, chồn, cáo… rất tinh khôn, thậm chí còn khôn hơn cả con người, vì định lực của chúng vẫn còn do tu luyện những pháp môn có sức tập trung cao, nhưng đã mất thân người thì cũng không thể nào tiến hoá đi lên được, chỉ phó thác cho bản năng nghiệp lực điều khiển mà thôi.
˗ Ví dụ 6: Thầy Thông Lạc dạy: “Những bậc đại danh y như Hải Thượng Lãn Ông, Tuệ Tĩnh, Hoa Đà, Biển Thước, các ông đã dạy người ta sát sanh làm thuốc cứu người, thì các ông đã rơi vào nhân quả làm chúng sanh trong vô lượng đời kiếp để trả quả, chừng nào những sách thuốc của các ông bị diệt sạch thì các ông mới hết kiếp làm chúng sanh”. Vì các bậc danh y này đã vay nợ xương máu chúng sanh để làm thuốc trị bệnh và viết sách phổ biến những phương pháp đó, nên đã tạo nghiệp tương ưng làm chúng sanh trong vô lượng kiếp, thật là khốc liệt!
˗ Ví dụ 7: Có hôm trong văn phòng Thầy Thông Lạc nói với Nguyên Thanh: “Những đạo quân đánh nhau để tranh giành lãnh thổ, xưng vương, xưng bá, thì sau này tái sanh làm thú, những con thú này lại tiếp tục đánh nhau…”. Cho nên, những “anh hùng hảo hán” mà phim ảnh mô tả đánh đông dẹp bắc thì khó giữ được thân người, vì thân tâm họ được dùng vào việc vay nợ xương máu với người và chúng sanh khác, thì phải trả nợ xương máu ở lốt nghiệp chúng sanh, chỉ khi nào trả xong mới có được thân người, nhưng biết bao giờ trả xong?
˗ Ví dụ 8: Năm 2010, Thầy Thông Lạc có tới Châu Đốc, An Giang, thăm khu di tích Ba Chúc, nơi ghi dấu sự kiện quân Khmer Đỏ tấn công sát hại nhiều người dân vùng đó năm 1979, có Phật tử hỏi Thầy: “Tại sao Thầy lại tới đây, vì Thầy tới đâu là phải có lý do”. Thầy đáp: “Đúng vậy, Thầy tới để ước nguyện cho những người bị giết ở cả hai phía khi tái sanh lên được làm người, gặp được sách đạo đức của Thầy, nhờ đó họ sẽ xoá bỏ được mối hận thù không còn đánh giết nhau nữa”. Như vậy, nếu không có đạo đức thì những nghiệp vay nợ xương máu từ xưa sẽ tiếp tục tái sanh trong lốt nghiệp mới để xung đột trả nợ máu xương với nhau, cứ trả vay – vay trả như vậy thật là khủng khiếp!
Đúng như lời Đức Phật đã dạy: “Được thân người là khó, khó như con rùa mù tìm được bọng cây giữa biển khơi”, chừng nào trả hết nợ máu xương dưới lốt nghiệp chúng sanh xong thì mới được làm người.
Cho nên, “bằng mọi giá phải có được thân người, đó là công cụ để chúng ta trả nhân quả và tu tập giải thoát”, Thầy Thông Lạc đã dạy Nguyên Thanh như vậy.
Con đường của Đạo Phật là con đường tâm, lấy thiện pháp làm thước đo cho sự tiến hoá của con người, với đích đến là con người hoàn hảo không còn đau khổ, cho nên Đức Phật dạy chúng ta: “Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp” tức là dạy chúng ta tiến hoá từ một con người phàm phu đầy những hành động ác pháp làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh để tiến dần lên thành một con người nhân bản đúng nghĩa giữ gìn 5 giới, rồi trở thành người toàn thiện sống đúng 10 điều lành và cuối cùng là bậc giải thoát rốt ráo, tâm bất động trước mọi ác pháp và cảm thọ. Tất cả những sự tiến hoá này phải đặt trên nền tảng có được thân người, vì chỉ ở duyên thân người thì mới có bộ óc biết triển khai trí tuệ phân biệt thiện ác. Nếu mất thân người thì chỉ còn biết sống theo bản năng nên không thể nào tiến hoá được, phó mặc cho nghiệp lực đưa đẩy trong cuộc sống đau khổ mà thôi.
Đến đây, chú hãy tác ý: “Bằng mọi giá phải giữ được thân người, muốn giữ được thân người thì phải chấm dứt những hành động vay nợ xương máu chúng sanh”.
Khi biết thân người quý giá như vậy thì chúng ta phải quyết tâm giữ được thân người, trau dồi Đức Hiếu Sinh, biết thương yêu sự sống của loài chúng sanh, thể hiện qua việc chấm dứt sát sanh, từ bỏ ăn thịt chúng sanh và xả tâm thèm thịt chúng sanh. Sự quyết tâm giữ gìn Đức Hiếu Sinh phải được xác định có tầm quan trọng bậc nhất đối với đời sống của một con người, vì mất thân người là mất cơ hội có được bộ óc đủ trí tuệ phân biệt thiện ác để tiến hoá trên con đường thiện, chấm dứt khổ đau. Do vậy, phải khởi động ăn chay, đó là bước đầu tiên để giữ gìn Đức Hiếu Sinh.
Muốn khởi động ăn chay thì chúng ta phải hiểu nguyên nhân tại sao mình lại ăn thịt chúng sanh và ăn thịt chúng sanh sẽ dẫn tới nhân quả gì?
Một người được sinh ra trong gia đình được cha mẹ nuôi dưỡng, cho gì ăn đó. Nếu cha mẹ ăn thịt chúng sanh thì họ cũng sẽ nuôi con bằng thịt chúng sanh, người con được nuôi sống bằng thịt chúng sanh nên trong tâm coi thịt chúng sanh là thức ăn, nó sẽ vô cảm trước sự đau khổ của chúng sanh, xem việc người khác đập đầu cá, cắt cổ gà, giết lợn, mổ bò… là chuyện bình thường. Rồi các phương tiện truyền thông cứ suốt ngày đăng tin phát triển kinh tế thuỷ hải sản, chăn nuôi gia súc gia cầm, xuất nhập khẩu thịt hoặc bác sĩ bảo là ăn thịt có chất bổ này, chất đạm kia… hoặc đi đâu cũng thấy nhà hàng, quán nhậu mọc lên như nấm, ăn uống rôm rả… khiến cho con người không còn khởi được lòng thương đối với sự sống của chúng sanh, xem thường mạng sống của các loài chúng sanh, coi sinh mạng chúng sanh chỉ là món ăn của con người mà thôi. Mỗi ngày ăn thịt chúng sanh với nhiều món được chế biến hấp dẫn, cầu kỳ, đầy đủ sắc, hương, vị khiến cho cơ thể đắm nhiễm tạo thành một thói quen thèm thịt rất mạnh, tức là nghiệp lực thèm thịt có cường độ lớn do huân tập lâu ngày. Nghiệp này rất khó bỏ, nếu không ăn thì thèm, thậm chí là cơ thể phản ứng mệt mỏi, uể oải hoặc sinh bệnh tật nếu không được đáp ứng các món ăn có thịt chúng sanh.
Một người ăn thịt chúng sanh thành thói quen, nên trong gia đình và các mối quan hệ xã hội họ mặc nhiên xem việc ăn thịt là điều bình thường, điều này tạo ra một áp lực cho người muốn từ bỏ thói quen ăn thịt, vì đi ngược lại “ánh nhìn” của số đông, họ sợ bị cô lập, bị lạc loài.
Do vậy, muốn từ bỏ ăn thịt chúng sanh thì chúng ta phải tạo ra cho bản thân mình một động lực, muốn có động lực thì phải hiểu tác hại của việc ăn thịt chúng sanh và mục đích tối hậu của cuộc sống. Ăn thịt chúng sanh là vay nợ xương máu chúng sanh nên phải trả quả bệnh tật, tai nạn, bất an, khổ đau và mất thân người như phần trên đã phân tích. Vì hiểu rõ việc ăn thịt chúng sanh đưa đến quả báo khốc liệt như vậy, nên chúng ta phải quyết tâm ăn chay vì Đức Hiếu Sinh, trên nền tảng Đức Hiếu Sinh chúng ta tu tập để đạt được mục đích tối hậu của đời người, đó là làm chủ bốn sự đau khổ sanh, già, bệnh, chết, chấm dứt tái sanh luân hồi như Đức Phật, các bậc Thánh Tăng và Trưởng lão Thích Thông Lạc đã làm.
Hàng ngày, chú nên hướng tâm Như Lý Tác Ý: “Nhất định ta phải từ bỏ thói quen ăn thịt chúng sanh, huân tập thói quen ăn chay, nuôi thân mạng bằng thiện pháp để từ bỏ vay nợ xương máu chúng sanh”, hoặc: “Nhất định ta phải từ bỏ việc nuôi sống thân mạng bằng sự đau khổ của chúng sanh, phải từ bỏ vay nợ xương máu chúng sanh”, hoặc: “Phải từ bỏ, đoạn dứt việc huân tập sự sống bằng xương máu chúng sanh”… tác ý trở thành một ý thức lực mạnh mẽ nhằm đối kháng với những trở ngại trong quá trình ăn chay, trong đó có nghiệp lực thèm thịt chúng sanh bên trong bản thân mình và áp lực từ bên ngoài. Nếu nội lực từ bỏ việc ăn thịt chúng sanh chưa đủ lớn thì tâm dễ thỏa hiệp khi gặp hoàn cảnh chướng ngại. Còn nếu sự quyết tâm ăn chay đủ lớn thì tâm sẽ bất chấp mọi trở ngại thực hiện cho bằng được. Muốn có quyết tâm ăn chay thì phải thường xuyên dùng pháp Như Lý Tác Ý như trên.
Để khởi động quá trình ăn chay thì chú hãy xác định những việc cần làm như sau:
1- Xác định mục tiêu tối hậu là sống toàn thiện, chấm dứt tái sanh luân hồi. Mục tiêu căn bản nhất là phải giữ được thân người năm giới. Bước đi đầu tiên là ăn chay vì Đức Hiếu Sinh.
Nếu có thân người mà tâm còn tính thú thì sẽ tương ưng với chúng sanh để tái sanh, tâm ở đâu thì nghiệp ở đó, nghiệp tương ưng tái sanh. Không đủ tiêu chuẩn làm người thì sẽ tương ưng với thân chúng sanh phù hợp với nghiệp đã tạo.
2- Xác định thời gian thực hiện mục tiêu.
Ví dụ: Phải đặt ra mục tiêu 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, 1 năm rưỡi, 2 năm… để ăn chay trường hoàn toàn, tức là phải có thời hạn cụ thể.
3- Triển khai tri kiến Đức Hiếu Sinh để tích tập nghiệp thiện thương yêu chúng sanh đối trị với nghiệp ác không quan tâm đến sinh mạng chúng sanh và thèm thịt chúng sanh.
Thời gian rảnh chú có thể đọc lại hoặc nghe bộ sách Giáo Án Rèn Nhân Cách – Đức Hiếu Sinh của Trưởng lão Thích Thông Lạc, hoặc đọc những bài về Đức Hiếu Sinh, về nhân quả sát sanh… trên trang web Thư viện Thầy Thông Lạc.
Khi huân tập những tri kiến về nhân quả, thì chú tự mình suy tư về đời sống con người và loài vật để thấy được sự sống bình đẳng, để thấy được hành động chà đạp lên sự sống của các loài chúng sanh, việc nuôi thân mạng bằng xương máu chúng sanh là ác độc, nhẫn tâm vô cùng…
Nhờ tích tập tri kiến và hành động Đức Hiếu Sinh mà tạo cho tâm có nội lực, động lực để đối với với những trở ngại trên bước đường ăn chay.
Nếu lúc nào đó tâm chú bắt đầu lung lay ý chí lập trường, muốn thay đổi, muốn thỏa hiệp với hoàn cảnh như khi đi dự tiệc với đối tác, đồng nghiệp, bạn bè, người thân, gia đình, thì chú hãy tác ý hỏi tâm của mình:
˗ “Nếu mình buồn khổ thì vợ, con, anh em, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác có buồn khổ thay cho mình được không?”
˗ “Nếu mình già thì vợ, con, anh em, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác có già thay cho mình được không?”
˗ “Nếu mình bệnh thì vợ, con, anh em, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác có bệnh thay cho mình được không?”
˗ “Nếu mình chết thì vợ, con, anh em, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác có chết thay cho mình được không?”
˗ “Nếu mình mất thân người thì vợ, con, anh em, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác có lấy lại được thân người cho mình được không?”
˗ “Nếu mình làm thân chúng sanh, ví dụ làm con chó hay con mèo thì vợ, con, anh em, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác có hay biết không, họ có còn tới lui thăm con chó và con mèo không? Hay là họ chạy mất?”
Chú tự hỏi như vậy thì tâm sẽ có sự phản tỉnh ngay liền, nó sẽ tinh tấn trở lại và tự ám thị: “Vậy tại sao lại vì những người này mà mình phải vay nợ máu xương?”, và chú sẽ nghĩ ra rất nhiều những tri kiến để thiện xảo giữ thiện pháp cho bản thân mình.
4- Xác định trở ngại trên bước đường ăn chay.
˗ Tâm đã thực sự quyết tâm chưa? Nếu chưa thì phải thường xuyên tác ý: “Được thân người là khó, bằng mọi giá phải giữ được thân người, muốn giữ được thân người thì phải chấm dứt vay nợ xương máu chúng sanh!”.
Cái chính là phải làm cho tâm có quyết tâm, có động lực để giữ gìn Đức Hiếu Sinh trọn vẹn, nhờ động lực đó thì mới vượt qua mọi trở ngại.
˗ Hoàn cảnh có trở ngại gì không? Hoàn cảnh là nhân quả, đó là gia đình, công ty và các mối quan hệ xã hội, trong đó gia đình là gần gũi nhất, có sự tác động lớn nhất, sau đó đến công ty là nơi tiếp xúc hàng ngày trong quan hệ công việc…
Phải tìm một vài lý do thuyết phục gia đình và mọi người về việc ăn chay để mọi người chấp nhận, không phản đối. Đây là chỗ khéo léo, thiện xảo, mình ăn chay mà người khác không nghĩ rằng mình tu hành mới là điều hay.
Ví dụ: Chú có thể đi khám bệnh ở bác sĩ nào đó mà mình biết chắc là vị này ăn chay, rồi mượn lời khuyên của bác sĩ về nói với mọi người là: “Bác sĩ bảo nên ăn rau, củ thì tốt cho bệnh A, B, C…”, khiến mọi người thấy hợp lý. Có ông Bác sĩ, Tiến sĩ Ngô Đức Vượng viết cuốn sách “Minh Triết trong ăn uống của phương Đông”, ông này xiển dương ăn chay, khá nổi tiếng, chú có thể tới khám và mượn lời khuyên của ông để đối phó với gia đình và đồng nghiệp.
Hoặc chú mượn lời trong sách y học để đối phó với những câu hỏi về việc ăn rau củ như: “Ăn rau củ có nhiều chất chống lão hoá, nâng cao sức đề kháng, có Vitamin A, B, C… trị bệnh này, bệnh khác…”. Tức là mình dùng tri kiến ở đời để đối phó với sự thắc mắc của những người đời xung quanh.
˗ Cảm thọ trên thân và tâm: Khi thay đổi thói quen thì sẽ có phản ứng trên thân và tâm.
Thân chúng ta thường ăn thịt chúng sanh, nên khi ăn chay có thể thân sẽ khó chịu, thậm chí mệt mỏi, đau ốm, vì thân đã quen được nuôi sống bằng thịt chúng sanh quá lâu, mấy chục năm, nên bây giờ huân tập bằng thức ăn rau, củ, quả… nó chưa thích nghi được.
Có chú H. viết thư nói với Nguyên Thanh rằng, chú và mẹ gặp chánh pháp, mẹ ủng hộ chú ăn chay, nhưng cứ mỗi lần ăn chay là cơ thể mệt mỏi, nó giật lên giật xuống như muốn sinh bệnh vậy, khiến chú phải uống chút nước súp thịt thì mới trở lại bình thường. Nguyên Thanh cũng khuyên chú này phải thực hiện theo lộ trình dài, mỗi ngày giảm một chút, sau vài tháng thì chú H. nói rằng có thể ăn chay trường hoàn toàn.
Tâm chúng ta bình thường ăn thịt chúng sanh thành thói quen, nên khi không có thịt chúng sanh nó sẽ thèm, cho nên phải triển khai tri kiến Đức Hiếu Sinh và dùng pháp Như Lý Tác Ý xả sạch nghiệp thèm thịt.
Chú hãy tác ý: “Thói quen ăn thịt chúng sanh là vay nợ xương máu chúng sanh, chắc chắn phải trả nợ bằng quả đau khổ, bệnh tật trên thân, tâm bất an và phải tái sanh làm thân chúng sanh để trả nợ xương máu. Mình muốn sống bình an hay là muốn trả nợ xương máu? Nhất định ta phải từ bỏ, đoạn dứt thói quen ác pháp này!”.
5- Thực hành Đức Hiếu Sinh.
Nguyên tắc thực hành thứ nhất đó là: “Tu trong hoàn cảnh của mình”, “Sống là tu, tu là sống”, “thay đổi hành vi chứ không thay đổi hoàn cảnh”, có nghĩa là trước chú sống sao thì bây giờ sống vậy, chỉ xem xét hành vi nào thiếu Đức Hiếu Sinh thì thay bằng hành vi có Đức Hiếu Sinh và dựa vào hoạt động sống hàng ngày để tích tập, tăng trưởng Đức Hiếu Sinh.
Thứ hai là nguyên tắc “giảm dần”, tức là bào mòn nghiệp lực: Con người ai cũng có tâm thanh tịnh, trong sáng, toàn thiện, nhưng vì vô minh nên đắm nhiễm những thói quen xấu ác khó bỏ, trong đó có thói quen ăn thịt chúng sanh. Cho nên, việc tu tập cũng phải từ từ xả bỏ thói quen này, không thể ngày một ngày hai được, mà phải theo nguyên tắc: “ngăn ác diệt ác” bào mòn nghiệp lực, làm cho nghiệp ác giảm dần, muội lược dần, thì kết quả sẽ rất an ổn, không gây xáo trộn trên bản thân và hoàn cảnh.
Thầy Thông Lạc giai đoạn tu tập ở Hòn Sơn, thời kỳ đầu mỗi lần khất thực là Thầy phải trèo từ trên đỉnh núi xuống ngôi chùa dưới chân núi xin cơm, Thầy thấy quá cực khổ, nên tập ăn rau xà lách xoong. Ngày đầu Thầy vẫn xuống xin cơm, nhưng 10 phần cơm bớt 1 còn 9 phần và thêm 1 phần rau; ngày thứ hai thì Thầy ăn 8 phần cơm 2 phần rau; ngày thứ ba thì Thầy ăn 7 phần cơm 3 phần rau… cứ giảm dần như vậy tới ngày thứ mười thì Thầy ăn toàn rau. Đó là sự thông minh của Thầy để cho cơ thể thích nghi với thói quen ăn rau hoàn toàn.
Chú có thể áp dụng trong đời sống như sau:
˗ Ví dụ 1: Mỗi buổi sáng chú đang tập thể dục chạy bộ khoảng 30 phút đến 1 giờ, thì chú tận dụng khoảng thời gian đó để trau dồi Đức Hiếu Sinh. Chú chuyển đổi hình thức chạy bộ thành đi bộ và trau dồi tâm từ trên hành động đi này.
Chú đi bình thường, nhưng tác ý nhắc tâm mình: “Cẩn thận không dẫm đạp chúng sanh tôi biết tôi đang đi”, rồi quan sát cẩn thận dưới bước chân mình để không dẫm đạp chúng sanh. Lưu ý là quan sát bước chân và cả xung quanh để đảm bảo an toàn giao thông.
Khi đi trên vỉa hè, công viên hay bất cứ chỗ nào chú cũng tu tập như vậy. Đó là tích tập lòng yêu thương trên mỗi bước chân đi, mỗi hành động thiện không dẫm đạp chúng sanh thì nó đối trị với hành động ác coi thường sinh mạng chúng sanh.
Khi đi bộ mệt thì chú ngồi nghỉ chân, quan sát thấy con kiến chạy tới chạy lui để kiếm sống, có khi được hạt cơm, được cục đường, được miếng kẹo người ta vứt đi… mình suy tư thấy con người cũng như vậy, phải vất vả kiếm sống, chạy ngược chạy xuôi kiếm tiền cực khổ. Con kiến phước nó rất nhỏ, nên sự sống mong manh, nó có thể chết vì bất cứ điều gì, bị giẫm chết, bị nước cuốn trôi, bị xe cán… con người tuy có phước hơn, nhưng sự sống cũng mong manh, chứ không có gì bền chắc. Từ đó mình thấy được sự sống bình đẳng giữa con người và các loài vật, nên trong tâm khởi được lòng yêu thương lớn dần lên, biết cảm thông sự sống cho nhau giữa con người và loài vật, không còn muốn ỷ mạnh hiếp yếu, không còn muốn vay nợ xương máu của loài chúng sanh nữa, đó là tri kiến giải thoát.
Chỉ cần tập trau dồi tâm từ với hành động đi, luôn lưu ý không dẫm đạp chúng sanh, thì sẽ nâng cao sức tĩnh giác của chú rất nhiều, làm cho tâm trí sáng suốt, giảm vọng tưởng lăng xăng và nó cũng sẽ đối trị tâm chướng ngại, giảm nghiệp bệnh.
Khi chú đã quen trau dồi tâm từ trên hành động đi, thì các hành động khác như đứng, nằm, ngồi, cầm, nắm, bê, vác, quét nhà, nhặt rau, rửa chén… cũng tương tự, có nghĩa là tác ý nhắc tâm “không làm tổn hại sự sống của chúng sanh” trước khi hành động.
˗ Ví dụ 2: Khi buộc phải tham gia những bữa tiệc với công ty hay đối tác thì mình tác ý: “Phải bằng mọi giá giảm việc vay nợ xương máu chúng sanh”, khi ăn nên gắp rau, đậu, củ quả, uống nước trái cây… là chính, giảm thiểu đụng đũa vào thịt chúng sanh. Nếu ai thắc mắc thì mình đưa lời bác sĩ ra để thay cho lời giải thích, lâu dần mình sẽ tạo cho người khác một cách nhìn mới, “Ông đấy thích ăn rau củ vì chữa bệnh hay giảm cân, giảm mỡ máu, giảm tiểu đường…”. Cho nên, mình đi vào thiện pháp một cách khéo léo mà không làm xáo trộn hoàn cảnh.
˗ Ví dụ 3: Với bữa cơm gia đình cũng vậy, chú hãy tìm cớ, ví dụ là lời khuyên của bác sĩ nên ăn rau, củ, quả để trị bệnh A, B, C làm lý do cho việc giảm dần sự ăn thịt chúng sanh và ăn chay nhiều hơn. Phải làm sao mà mình ăn chay nhưng gia đình chấp nhận vì có lý do hợp lý. Cộng với việc sống tùy thuận, vui vẻ trong gia đình, sẽ làm chuyển đổi gia đình, điều tuyệt vời nhất là đến một ngày nào đó cả gia đình đều ăn chay, vợ chú sẽ nấu những bữa cơm chay cho cả gia đình thì tốt biết bao.
Cái nghiệp ăn thịt và giết hại chúng sanh nó sẽ tạo ra quả khổ đau cho bản thân và chùm nhân quả gia đình, cha, mẹ, vợ, con… vì thế mình ăn chay tức là mình đã giúp cho gia đình bình an, là thương yêu gia đình, mặc dù họ có thể không đủ tri kiến lĩnh hội điều này.
Đức Phật dạy: “Lấy pháp trắng trị pháp đen”, tức là lấy hành động thiện diệt hành động ác, từ đó sẽ chiêu cảm hoàn cảnh tương ưng với thiện pháp để giúp cho cuộc sống của chú được bình an.
Thầy Thông Lạc dạy: “Trong gia đình có người sống thiện 5 giới thì gia đình sẽ được bình an”, vì gia đình là chùm nhân quả tương ưng nhau, nghiệp của người này tương ưng với hành động của người kia, cho nên nghiệp người này thay đổi thì hành động của người kia cũng thay đổi. Chú giữ Đức Hiếu Sinh thì gia đình sẽ thay đổi theo hướng bình an.
6- Kiểm điểm.
Trong văn phòng làm việc, Thầy Thông Lạc đã dạy Nguyên Thanh rất kỹ lưỡng: “Con hãy tính toán cho Thầy biết trong một tháng có 4 tuần, 1 tuần có 7 ngày, 1 ngày con khởi niệm bao nhiêu lần, từ buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, buổi tối, buổi khuya, hễ khởi niệm dù niệm thiện hay ác là có tham, sân, si trong đó, tính cho Thầy mỗi buổi con khởi niệm bao nhiêu phút để tìm cách khắc phục, xả tâm. Đó là bảo vệ tâm, hộ trì chân lý để cộng hưởng với từ trường của Thầy và các bậc Thánh”. Từ đó Nguyên Thanh bắt đầu tính toán xem trong ngày thời điểm nào mình còn chướng ngại để tìm cách khắc phục. Đó là sự kiểm điểm bản thân xem còn thiếu sót chỗ nào thì khắc phục chỗ đó. Lưu ý rằng, đây là câu chuyện Nguyên Thanh kể lại lúc tu trong cảnh tịnh, nên niệm khởi thiện ác gì thì cũng đều là tham, sân, si, cần phải xả, chỉ chấp nhận niệm thanh thản, an lạc và vô sự. Đối với những người đang còn tiếp duyên, thì mọi người cần phải triển khai tri kiến giải thoát để ngăn và diệt niệm ác làm khổ mình khổ người và khổ chúng sanh, còn niệm thiện không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh thì tăng trưởng, chứ không phải diệt niệm cả thiện lẫn ác thì không đúng.
Cho nên, chú có thể áp dụng kinh nghiệm này để tính toán trong một ngày hoặc một tuần, một tháng, xem thời điểm nào chú có khả năng vay nợ máu xương chúng sanh, ví dụ như buổi ăn sáng, buổi ăn trưa, buổi ăn tối, buổi tiệc với đối tác và nhân viên… Từ đó chú tìm cách khắc phục theo hướng giảm thiểu ăn thịt đến mức triệt tiêu. Buổi sáng chú có thể chủ động ra ngoài ăn, chọn thức ăn chay; buổi trưa cũng vậy, có thể ăn một mình ở quán chay, thỉnh thoảng về nhà; còn những bữa tiệc thì mình chúc tụng là chính, ăn là phụ, ăn thì gắp rau củ quả… một cách khéo léo để giữ thiện pháp cho mình.
Tổ sư Thiền tông, ngài Huệ Năng đã từng sống chung với những người thợ săn nhưng ngài vẫn giữ được hạnh ăn chay, không vi phạm Đức Hiếu Sinh, thì chứng tỏ ngài rất thiện xảo. Chú có thể tham khảo gương hạnh của ngài Huệ Năng để giữ vững thiện pháp mà không làm xáo trộn hoàn cảnh.
Khi lên kế hoạch và từng bước thực hiện ăn chay, thì chú phải có sự kiểm điểm bản thân xem những gì còn thiếu sót, những gì có tiến bộ để khắc phục thiếu sót, phát huy những mặt tiến bộ.
Làm việc gì cũng cần phải tính toán kỹ lưỡng và kiểm điểm kết quả, cũng như việc kinh doanh của chú, phải xem lời lỗ thế nào hàng tháng, hàng quý để khắc phục điểm yếu, phát huy điểm mạnh, điều chỉnh hệ thống… thì việc khởi động ăn chay hay việc tu hành cũng như vậy.
7- Điều cốt lõi.
Tu hành chỉ đơn giản là sửa đổi tâm của mình, chứ không phải là điều gì khác lạ, nó là một cuộc đấu tranh bên trong nội tâm, bản chất là sự đối kháng của 2 thế lực: ý thức lực và nghiệp lực. Nếu ý thức lực chiến thắng thì tâm được giải thoát, làm chủ, còn nếu ý thức lực thua thì tâm sẽ bị chi phối bởi nghiệp tham, sân, si.
Con người từ nghiệp lực tham, sân, si sanh ra, nên nghiệp lực luôn chiếm ưu thế trước ý thức lực, do vậy mà con người ai cũng thích dục cả, đủ thứ dục trên đời, danh, lợi, sắc, thực, thuỳ, vì nó thuận theo lòng ham muốn của họ.
Ý thức lực là lực ly tham, sân, si, tức là đi ngược với lòng ham muốn của con người. Để rèn luyện ý thức lực thì cần phải triển khai tri kiến thấu suốt lý như thật của các pháp và sử dụng pháp Như Lý Tác Ý để xả bỏ pháp ác, tăng trưởng pháp thiện.
Nếu ý thức lực không đủ sức thắng được nghiệp lực thì mọi tri kiến hiểu biết về Phật pháp đều không có tác dụng gì hết, cũng như người bác sĩ hiểu biết tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ nhưng vẫn hút là vì ý thức lực không chiến thắng nổi nghiệp nghiện thuốc lá.
Nếu chỉ dựa vào sự hiểu biết mà không rèn luyện ý thức lực thì không thể nào chiến thắng được lòng ham muốn của con người.
Việc xả bỏ nghiệp thèm thịt chúng sanh cũng vậy, ngoài sự hiểu biết thì cần phải thực hành từng bước để tạo ý thức lực xả bỏ nghiệp thèm thịt chúng sanh, còn nếu chỉ có hiểu biết mà không thực hành thì cũng vậy mà thôi.
Con người khi trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, tự tâm họ có thể giác ngộ được lý vô thường giả tạm của cuộc đời, nhưng bảo họ xa lìa tham, sân, si thì ít người chịu bỏ, vì ý thức lực không đủ để đối kháng với nghiệp lực, nên nhiều khi đành xuôi theo lòng ham muốn để bị cuốn vào dòng nhân quả khổ đau.
Do đó, nếu không thực hành thì không có kết quả thiết thực cho đời sống của con người, nên mọi sự hiểu biết chỉ dừng lại ở tiềm năng.
“Thắng trăm trận không bằng tự thắng mình, chiến thắng tâm mình là chiến công oanh liệt nhất”, muốn chiến thắng tâm mình thì phải triển khai tri kiến giải thoát và rèn luyện ý thức lực để sống không làm khổ mình khổ người, bắt đầu bằng việc thực hành Đức Hiếu Sinh, xả bỏ việc vay nợ xương máu chúng sanh, thể hiện cụ thể nhất là khởi động ăn chay.
Đức Phật hay các bậc Thánh Tăng như Trưởng lão Thích Thông Lạc, các Ngài cũng sống bình thường như mọi người, nhưng ngầm bên trong tri kiến của các Ngài là nội lực ly tham, sân, si kinh thiên động địa, vì thế ác pháp tác động vào tâm các Ngài rất thản nhiên, tức là tâm bất động.
Chúng ta là những người nối gót bước chân của các Ngài, thì phải rèn luyện cho mình ý thức lực để chiến thắng tâm mình trong từng trận nhỏ, đến khi tích tập đủ ý thức lực thì mới vùng lên giải phóng tâm mình hoàn toàn thoát khỏi khổ đau, trở thành người chiến thắng, chấm dứt kiếp sống làm nô lệ cho giặc nhân quả sanh, già, bệnh, chết.
Khi đã nhìn thấy con đường, hãy mạnh dạn cất bước chân đi thì mới mong có ngày tới đích.
Cho nên, chú cần phải khởi động quá trình ăn chay. Những việc làm để khởi động quá trình ăn chay, thực hiện Đức Hiếu Sinh này phải không ảnh hưởng tới tất cả những công việc hiện tại của chú, chú không phải hy sinh thời gian, hay sao nhãng công việc gì hết, mà chỉ cần điều chỉnh hành vi mà thôi, chứ không phải thay đổi hoàn cảnh, thiện xảo chính là ở chỗ đó.
Chú thực hành những bước trên để từng ngày chấm dứt vay nợ xương máu chúng sanh, đó là ngăn ác diệt ác, trả nghiệp ác tham, sân, si, tăng trưởng nghiệp thiện. Nghiệp thiện, ác là từ trường hành động do thân, khẩu, ý tạo tác, nó sẽ tương ưng với các từ trường khác trong môi trường để tái sanh hoặc chiêu cảm hoàn cảnh sống như Thầy Thông Lạc đã dạy: “Từ trường toàn thiện thì không có duyên để hợp nên không tái sanh, chỉ hưởng quả phước thiện ở từ trường đó, chờ hết quả phước đó mới tái sanh làm người trở lại. Còn từ trường thiện nhiều ác ít thì sẽ hợp duyên với những từ trường thiện ác khác trong môi trường sống và từ đó tiếp tục tái sanh làm chúng sanh mới trong hoàn cảnh thiện và phước báo đầy đủ chứ không có linh hồn đi tái sanh.
Từ trường ác cũng vậy sẽ hợp duyên với những từ trường ác khác trong môi trường sống và tiếp tục tái sanh trong hoàn cảnh khốn khổ đủ mọi điều khổ hoặc sanh làm những loài vật nhỏ bé ti tiện như côn trùng, sâu, bọ, v.v.. sống nơi ẩm ướt, dơ bẩn, thời gian sống quá ngắn ngủi, tuổi thọ không được dài lâu”.
Cho nên, muốn xây dựng cuộc sống bình an, hạnh phúc, an vui, thanh thản, giải thoát thì hãy bước đi trên con đường thiện bằng cách mạnh mẽ dứt bỏ những nghiệp ác một cách có lộ trình, có kế hoạch với đầy đủ sự quyết tâm.
Ở ngoài đời, chú là một người thông minh, được học hành, có sự nghiệp thành công, phải nói là thuộc tầng lớp tinh hoa, hưởng được mọi của ngon vật lạ, đi nhiều hiểu rộng, hấp thụ văn hoá đông tây kim cổ, nhưng tất cả dục lạc thế gian thì suy cho cùng cũng chỉ đến thế mà thôi.
Chú cũng làm rất nhiều việc có ích cho cuộc đời như tạo công ăn việc làm chân chính cho nhiều người, bố thí, cúng dường nhiều nơi… tất cả những nghiệp thiện này chỉ có ý nghĩa nếu chú giữ được thân người, và từ thân người đó tiến hoá trở thành một bậc giải thoát, tức là một người tinh hoa thanh tịnh hoàn hảo thật sự.
Nếu chú làm nhiều việc thiện nhưng lơ là để mất thân người, thì cũng như con mèo của ông chủ tịch hãng Chanel được hưởng tài sản triệu đô thôi, nó đâu có biết thiện ác là gì, cứ hưởng hết phước rồi thì sẽ đọa tiếp, vì con mèo nó thích ăn thịt.
Cho nên, bằng mọi giá phải giữ được thân người, đó là phương tiện trả nghiệp để thân tâm được giải thoát. Chú phải xác định:
˗ Giá trị cốt lõi là giữ được thân người.
˗ Tầm nhìn dài hạn là mục tiêu giải thoát, làm chủ sanh, già, bệnh, chết, chấm dứt tái sanh luân hồi.
˗ Sứ mệnh là trả nghiệp nhân quả, đầu tiên là chấm dứt không vay nợ xương máu chúng sanh, tiếp đến là ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện trong đời sống hàng ngày.
“Được thân người là khó, gặp được chánh pháp lại càng khó hơn”, chú đã có được thân người và gặp được chánh pháp, nhờ chánh pháp mới hiểu giá trị của việc “được thân người là khó”, cho nên phải cố gắng giữ gìn thân người, biến nó thành công cụ tiến hoá theo con đường giải thoát mà Đức Phật đã dạy. Bước đầu tiên là khởi động ăn chay bằng cách huân tập Đức Hiếu Sinh và từng bước từ bỏ ăn thịt chúng sanh.
Đức Phật dạy: “Chúng sanh là những người thừa kế của nghiệp, nghiệp là cha đẻ ra chúng sanh”, vậy chúng ta muốn thừa kế nghiệp thiện hay nghiệp ác đây? Chắc chắn ai cũng muốn kế thừa nghiệp thiện, lấy đó là tài sản để tiến đến nghiệp thiện vô lậu, chứ không có ai muốn thừa kế nghiệp ác bao giờ, có phải không? Muốn vậy, chúng ta phải thực hiện theo lời Đức Phật dạy: “Ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp”, mà điều đầu tiên là đoạn diệt việc vay nợ xương máu chúng sanh, tức là thực hiện Đức Hiếu Sinh.
Thầy Thông Lạc dạy Nguyên Thanh rằng: Những người đã từng làm người nhiều đời thì họ ngày càng hoàn thiện bản thân thể hiện nhiều mặt, ví dụ đơn giản nhất là họ rất sạch sẽ… Còn những người trước đây là thú thì họ vẫn còn mang nghiệp của loài thú, nên tâm tính còn thô tháo có nét hoang dã, đời sống thiếu vệ sinh…
Thân người là một tài sản vô giá, nó là công cụ để chúng ta trả nghiệp và tiến hoá hoàn thiện bản thân từng bước, cho đến cuối cùng là trở thành một bậc giải thoát ra khỏi mọi sự đau khổ của cuộc đời, cho nên phải giữ gìn cẩn thận thân người bằng cách tạo nghiệp thiện trên thân, khẩu, ý thì không bao giờ mất thân người.
Nguyên Thanh có bài kệ phỏng theo lời dạy “Buông xuống đi” của Trưởng lão Thích Thông Lạc tặng chú làm động lực để khởi động ăn chay:
Ăn chay đi vì Đức Hiếu Sinh!
Vay nợ xương máu có ích gì?
Thở ra chẳng lại còn chi nữa,
Muôn kiếp luân hồi đầy khổ đau…
Tóm lại, bằng mọi giá phải giữ cho được thân người, vì chỉ ở thân người thì mới có bộ óc biết triển khai tri kiến phân biệt thiện ác, đủ điều kiện tu hành giải thoát, còn làm thân chúng sanh sống theo bản năng nghiệp lực đưa đẩy nên không thể tu hành. Muốn giữ được thân người thì phải chấm dứt vay nợ xương máu chúng sanh, muốn chấm dứt vay nợ xương máu chúng sanh thì phải thiện xảo trau dồi Đức Hiếu Sinh và thực hiện hạnh ăn chay trong đời sống hàng ngày.
TM. Ban Biên Tập
Sc. Nguyên Thanh
Leave a Comment
Tóm lại, khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần thì sinh ra các cảm thọ, các cảm thọ sinh ra dục, từ dục con người mới sinh ra dính mắc các pháp trần, do dính mắc các pháp trần nên mới sinh ra tâm tham, sân, si, tức là dục tham, dục sân, dục si để tạo nghiệp tham, sân, si khiến con người phải chịu nhiều ưu bi, sầu khổ, bệnh, chết. Cho nên, phải tu tập theo lộ trình Bát Chánh Đạo để ly dục ly ác pháp, tức là giữ tâm bất động trước ác pháp và cảm thọ, thì tâm sẽ được giải thoát khổ đau.
Tóm lại, muốn thấy được gốc rễ cần phải nhìn xuyên qua cành lá, muốn hiểu được bản chất của vấn đề thì phải nhìn xuyên qua các hiện tượng. Con người trên thế gian này hạnh phúc hay khổ đau, bệnh tật hay khỏe mạnh đều do hạnh nghiệp nhân quả mà ra. Vì vậy, hãy tự mình thắp lên ngọn đuốc đạo đức nhân quả, sống không làm khổ mình khổ người, mới có thể chuyển đổi được nghiệp khổ thành cuộc sống hạnh phúc, an vui, giải thoát.
Tóm lại, pháp tu của người già là ngồi chơi xả tâm, tức là tu Tứ Niệm Xứ trên Tứ Niệm Xứ. Khi có chướng ngại nào xảy ra trên bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp, thì dùng pháp Như Lý Tác Ý đuổi đi cho thật sạch để bảo vệ chân lý thanh thản, an lạc, vô sự. Cứ siêng năng tu tập đến khi tâm đủ nội lực bất động trước cận tử nghiệp thì không còn tái sanh luân hồi.
Tóm lại, hàng ngày trong mọi công việc chúng ta cần nương theo thân hành để tập Chánh Niệm Tĩnh Giác, nhờ sức tĩnh giác này mà tâm bình tĩnh dùng tri kiến đạo đức nhân bản – nhân quả điều khiển hành động thân, khẩu, ý không làm khổ mình khổ người, đó chính là “sống là tu, tu là sống” để đem lại sự hạnh phúc, an vui cho mình và mọi người.
Tóm lại, lòng từ như cơn gió mát, thổi đến đâu sẽ xua tan đi cái nóng bức, ngột ngạt tỏa ra từ tâm sân hận đến đó. Cho nên, chúng ta cần phải cố gắng trau dồi lòng từ trong các hành động sống hàng ngày để lòng từ là mình, mình là lòng từ, thì tâm ta sẽ không còn chướng ngại và dung thông với vạn hữu trong tình thương yêu và tha thứ. Nếu thực hành được như vậy, cuộc sống của chúng ta ngày càng trở nên vui tươi, hạnh phúc và bình an.
Tóm lại, tầm là tư duy suy nghĩ, tứ là tác ý. Tầm, tứ thuộc về ý thức của con người, là công cụ quan trọng nhất để tu hành, cho nên chúng ta không diệt tầm tứ, mà sử dụng tầm tứ để dẫn tâm vào đạo bằng cách triển khai tri kiến phân biệt cho thật rõ pháp nào là ác, pháp nào là thiện, rồi dùng pháp Như Lý Tác Ý đoạn dứt pháp ác, an trú tâm trong pháp thiện, xây dựng cho mình cuộc sống hạnh phúc, an vui, giải thoát.
Tóm lại, trong giao tiếp với mọi người thì phải chánh niệm tĩnh giác quán xét cả nội tâm lẫn ngoại cảnh, tức là biết toàn diện, biết toàn diện là nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả để ứng xử với nhau trên tinh thần không làm khổ mình khổ người, thì sẽ khắc phục được vấn đề chen ngang và áp đặt ý kiến của mình lên người khác, đó là làm chủ lời nói.
Như vậy, đối với một người còn sống giao tiếp thì giữ 5 tiêu chuẩn đạo đức làm người, nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả, thỉnh thoảng thọ Bát Quan Trai để thực hiện đời sống không làm khổ mình khổ người, sống không làm khổ mình khổ người là giới luật, mà giới luật chính là nền tảng đạo đức, là cội gốc của thiền định, là bông trái của trí tuệ, do vậy đời sống đạo đức rất quan trọng đối với người tu hành giải thoát.
Tóm lại, tu đúng là làm chủ cái ngủ, làm chủ cái ngủ là tu. Muốn làm chủ cái ngủ thì phải giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh, giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh là triển khai tri kiến giải thoát, triển khai tri kiến giải thoát thì phải thông suốt Định Vô Lậu và rèn luyện chánh niệm tĩnh giác, đó là những vũ khí chính để xả tâm tham, sân, si, quét sạch hôn trầm, nhường chỗ cho tâm thanh thản, an lạc, giải thoát.
Tóm lại, sự bố thí, làm từ thiện phải thực hiện đúng lộ trình nhân quả: nếu chúng sanh sống thiện mà gặp khó khăn thì chúng ta nên giúp đỡ để họ tiếp tục sống thiện; còn nếu chúng sanh sống ác mà gặp khó khăn thì ta nên để họ tự trả nhân quả; nếu chúng ta giúp đỡ chúng sanh mà tạo duyên phát sinh ác pháp cản trở tức là chúng sanh chưa đủ duyên phước để nhận sự giúp đỡ này, thì chúng ta nên dừng lại, hoặc là khuyên nhủ họ nên sống thiện bồi đắp phước đức để chuyển đổi nhân quả.
Tóm lại, pháp sai chứ người không sai. Vì pháp sai nên làm cho con người bị ức chế tâm trong hình thức giới luật, tiến lên thì không được mà lùi xuống thì phạm giới, nên kiểu gì cũng bị khổ đau. Còn khi gặp đúng chánh pháp, giúp chúng ta biết cách triển khai tri kiến xả tâm, ly dục ly ác pháp, hóa giải mọi chướng ngại trong lòng để tâm trở về trạng thái thanh thản, an lạc, vô sự, vượt qua nhân quả, vững bước tiến lên trên con đường giải thoát.
Tóm lại, nghiệp tương ưng tái sanh luân hồi, tạo ra sự sống mới, khổ đau hay hạnh phúc đều do hạnh nghiệp mà ra. Nghiệp do tâm tạo, cho nên chúng ta phải biết thương tâm nghiệp lực của mình, thương tâm nghiệp lực của mình thì phải biết triển khai tri kiến nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả để sống không làm khổ mình khổ người thì sẽ tiến hóa trên con đường thiện, giải thoát tâm mình ra khỏi mọi sự khổ đau và chấm dứt tái sanh luân hồi.
Tóm lại, càng siêng năng quét nhà thì nhà càng sạch, càng siêng năng xả tâm thì tâm càng sáng. Muốn tâm thanh tịnh thì phải trực tiếp trong mọi cảnh phản tỉnh tâm mình, luôn ngăn ác diệt ác pháp để tâm không còn chướng ngại, nên tâm dung thông với vạn hữu trong tình thương yêu và tha thứ, đó chính là hạnh phúc chân thật của cuộc đời.
Tóm lại, bậc làm cha mẹ hãy đứng trên lập trường đạo đức nhân quả để nuôi dạy các con của mình biết ăn chay vì đức hiếu sinh theo tinh thần 5 tiêu chuẩn đạo đức làm người, biết thương yêu chia sẻ sự sống với mọi người, biết trau dồi lòng từ để rèn luyện sức tĩnh giác, biết giữ gìn vệ sinh môi trường sống và hướng theo chánh nghiệp để xây dựng cho mình một cuộc sống hạnh phúc, bình an, no ấm.
Tóm lại, lòng yêu thương phải có trí tuệ nhân quả soi sáng thì mới gọi là lòng yêu thương đúng chỗ, cho nên Trưởng lão Thích Thông Lạc dạy chúng ta: đạo đức nhân bản – nhân quả, sống không làm khổ mình khổ người và khổ chúng sanh, đó là phát triển lòng thương yêu đúng lộ trình nhân quả.
Minh Nhựt
1 năm trước
Rất hữu ích
Các tương tác cảm xúc
Tri Kiến Giải Thoát
1 năm trước
"Nguyên Thanh có bài kệ phỏng theo lời dạy “Buông xuống đi” của Trưởng lão Thích Thông Lạc tặng chú làm động lực để khởi động ăn chay:
Ăn chay đi vì Đức Hiếu Sinh!
Vay nợ xương máu có ích gì?
Thở ra chẳng lại còn chi nữa,
Muôn kiếp luân hồi đầy khổ đau…" (Sc. Nguyên Thanh)
Các tương tác cảm xúc
Tri Kiến Giải Thoát
1 năm trước
"Đức Phật dạy: “Chúng sanh là những người thừa kế của nghiệp, nghiệp là cha đẻ ra chúng sanh”, vậy chúng ta muốn thừa kế nghiệp thiện hay nghiệp ác đây? Chắc chắn ai cũng muốn kế thừa nghiệp thiện, lấy đó là tài sản để tiến đến nghiệp thiện vô lậu, chứ không có ai muốn thừa kế nghiệp ác bao giờ, có phải không? Muốn vậy, chúng ta phải thực hiện theo lời Đức Phật dạy: “Ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp”, mà điều đầu tiên là đoạn diệt việc vay nợ xương máu chúng sanh, tức là thực hiện Đức Hiếu Sinh." (Sc. Nguyên Thanh)
Các tương tác cảm xúc
Tri Kiến Giải Thoát
1 năm trước
“Từ trường toàn thiện thì không có duyên để hợp nên không tái sanh, chỉ hưởng quả phước thiện ở từ trường đó, chờ hết quả phước đó mới tái sanh làm người trở lại. Còn từ trường thiện nhiều ác ít thì sẽ hợp duyên với những từ trường thiện ác khác trong môi trường sống và từ đó tiếp tục tái sanh làm chúng sanh mới trong hoàn cảnh thiện và phước báo đầy đủ chứ không có linh hồn đi tái sanh.
Từ trường ác cũng vậy sẽ hợp duyên với những từ trường ác khác trong môi trường sống và tiếp tục tái sanh trong hoàn cảnh khốn khổ đủ mọi điều khổ hoặc sanh làm những loài vật nhỏ bé ti tiện như côn trùng, sâu, bọ, v.v.. sống nơi ẩm ướt, dơ bẩn, thời gian sống quá ngắn ngủi, tuổi thọ không được dài lâu”. (Trưởng lão Thích Thông Lạc)
Các tương tác cảm xúc
Tri Kiến Giải Thoát
1 năm trước
"Hàng ngày, chú nên hướng tâm Như Lý Tác Ý: “Nhất định ta phải từ bỏ thói quen ăn thịt chúng sanh, huân tập thói quen ăn chay, nuôi thân mạng bằng thiện pháp để từ bỏ vay nợ xương máu chúng sanh”, hoặc: “Nhất định ta phải từ bỏ việc nuôi sống thân mạng bằng sự đau khổ của chúng sanh, phải từ bỏ vay nợ xương máu chúng sanh”, hoặc: “Phải từ bỏ, đoạn dứt việc huân tập sự sống bằng xương máu chúng sanh”… tác ý trở thành một ý thức lực mạnh mẽ nhằm đối kháng với những trở ngại trong quá trình ăn chay, trong đó có nghiệp lực thèm thịt chúng sanh bên trong bản thân mình và áp lực từ bên ngoài. Nếu nội lực từ bỏ việc ăn thịt chúng sanh chưa đủ lớn thì tâm dễ thỏa hiệp khi gặp hoàn cảnh chướng ngại. Còn nếu sự quyết tâm ăn chay đủ lớn thì tâm sẽ bất chấp mọi trở ngại thực hiện cho bằng được. Muốn có quyết tâm ăn chay thì phải thường xuyên dùng pháp Như Lý Tác Ý như trên." (Sc. Nguyên Thanh)
Các tương tác cảm xúc
Tri Kiến Giải Thoát
1 năm trước
"Muốn khởi động ăn chay thì chúng ta phải hiểu nguyên nhân tại sao mình lại ăn thịt chúng sanh và ăn thịt chúng sanh sẽ dẫn tới nhân quả gì?
Một người được sinh ra trong gia đình được cha mẹ nuôi dưỡng, cho gì ăn đó. Nếu cha mẹ ăn thịt chúng sanh thì họ cũng sẽ nuôi con bằng thịt chúng sanh, người con được nuôi sống bằng thịt chúng sanh nên trong tâm coi thịt chúng sanh là thức ăn, nó sẽ vô cảm trước sự đau khổ của chúng sanh, xem việc người khác đập đầu cá, cắt cổ gà, giết lợn, mổ bò… là chuyện bình thường. Rồi các phương tiện truyền thông cứ suốt ngày đăng tin phát triển kinh tế thuỷ hải sản, chăn nuôi gia súc gia cầm, xuất nhập khẩu thịt hoặc bác sĩ bảo là ăn thịt có chất bổ này, chất đạm kia… hoặc đi đâu cũng thấy nhà hàng, quán nhậu mọc lên như nấm, ăn uống rôm rả… khiến cho con người không còn khởi được lòng thương đối với sự sống của chúng sanh, xem thường mạng sống của các loài chúng sanh, coi sinh mạng chúng sanh chỉ là món ăn của con người mà thôi. Mỗi ngày ăn thịt chúng sanh với nhiều món được chế biến hấp dẫn, cầu kỳ, đầy đủ sắc, hương, vị khiến cho cơ thể đắm nhiễm tạo thành một thói quen thèm thịt rất mạnh, tức là nghiệp lực thèm thịt có cường độ lớn do huân tập lâu ngày. Nghiệp này rất khó bỏ, nếu không ăn thì thèm, thậm chí là cơ thể phản ứng mệt mỏi, uể oải hoặc sinh bệnh tật nếu không được đáp ứng các món ăn có thịt chúng sanh.
Một người ăn thịt chúng sanh thành thói quen, nên trong gia đình và các mối quan hệ xã hội họ mặc nhiên xem việc ăn thịt là điều bình thường, điều này tạo ra một áp lực cho người muốn từ bỏ thói quen ăn thịt, vì đi ngược lại “ánh nhìn” của số đông, họ sợ bị cô lập, bị lạc loài." (Sc. Nguyên Thanh)
Các tương tác cảm xúc
Tri Kiến Giải Thoát
1 năm trước
"Khi biết thân người quý giá như vậy thì chúng ta phải quyết tâm giữ được thân người, trau dồi Đức Hiếu Sinh, biết thương yêu sự sống của loài chúng sanh, thể hiện qua việc chấm dứt sát sanh, từ bỏ ăn thịt chúng sanh và xả tâm thèm thịt chúng sanh. Sự quyết tâm giữ gìn Đức Hiếu Sinh phải được xác định có tầm quan trọng bậc nhất đối với đời sống của một con người, vì mất thân người là mất cơ hội có được bộ óc đủ trí tuệ phân biệt thiện ác để tiến hoá trên con đường thiện, chấm dứt khổ đau. Do vậy, phải khởi động ăn chay, đó là bước đầu tiên để giữ gìn Đức Hiếu Sinh." (Sc. Nguyên Thanh)
Các tương tác cảm xúc
Tri Kiến Giải Thoát
1 năm trước
"Đến đây, chú hãy tác ý: “Bằng mọi giá phải giữ được thân người, muốn giữ được thân người thì phải chấm dứt những hành động vay nợ xương máu chúng sanh”." (Sc. Nguyên Thanh)
Các tương tác cảm xúc
Tri Kiến Giải Thoát
1 năm trước
“Chúng ta ăn thịt lâu ngày thành thói quen ăn thịt, thói quen ăn thịt tức là nghiệp lực nên khi ăn uống không có thịt chúng sanh thì ăn uống không ngon, do đó nghiệp thích ăn thịt chúng sanh vẫn còn nên tương ưng với thịt chúng sanh mà tái sanh làm chúng sanh, một nghiệp lực như vậy có thể sanh ra làm trăm muôn con vật để rồi tiếp tục sanh tử theo nghiệp của nó, vay trả trả vay, còn những nghiệp lực thiện cũng tiếp tục tái sanh làm người, một nghiệp lực thiện có thể sanh ra nhiều người tùy theo môi trường sống của hành tinh, tức là môi trường nhân quả trên quả địa cầu này” (Trưởng lão Thích Thông Lạc)
Các tương tác cảm xúc
Tri Kiến Giải Thoát
1 năm trước
“Trong khi các loài vật khác giãy giụa, kêu la, gào thét, rên xiết, quằn quại trên bàn tay đẫm máu của loài người thì lúc bấy giờ chúng ta chè chén vui chơi thỏa thích, mà vô tình không nghĩ đến nỗi đau thương ấy.
Chúng ta đâu biết rằng luật nhân quả sẽ không tha thứ cho một ai. Nếu kẻ đó chuyên làm ác giết hại và đem thịt, da, xương, máu của chúng sanh ra bán lấy tiền hoặc nấu nướng, chiên xào, hầm, kho luộc, v.v.. thành thực phẩm chi dụng cho cuộc sống hằng ngày của mình, hoặc ăn uống nhậu nhẹt vui chơi thỏa thích, trong lúc đó cuộc sống hiện tại của chúng ta sẽ có nhiều sự kiện xảy ra tai nạn, bệnh tật, khổ đau không chỉ có bản thân mình mà cả chùm nhân quả như cha, mẹ, vợ, con…” (Trưởng lão Thích Thông Lạc)
Các tương tác cảm xúc
Tri Kiến Giải Thoát
1 năm trước
"Nhân quả con người xuất phát từ ba chỗ, đó là thân, khẩu, ý, ba chỗ này tạo tác thiện thì con người sẽ nhận lại quả hạnh phúc, an vui, còn ba chỗ này tạo tác ác thì con người sẽ nhận lại quả khổ đau. Hành động con người tạo nhân là từ trường nghiệp thiện ác, nghiệp thiện ác sẽ tương ưng hợp với các duyên trong môi trường sống để nhận lại quả vui hay khổ.
Cho nên, thân, khẩu, ý còn tạo nghiệp ác vay nợ máu chúng sanh thì con người sẽ không thể nào thoát khỏi sự khổ đau." (Sc. Nguyên Thanh)
Các tương tác cảm xúc
Tri Kiến Giải Thoát
1 năm trước
"Trong sự sống của con người có sự sống của thảo mộc, trong sự sống của thảo mộc có sự sống của con người, cho nên con người và thảo mộc phải cùng một quy luật giống nhau. Do đó, lấy thảo mộc để chứng minh cho con người thì không có gì sai khác." (Sc. Nguyên Thanh)
Các tương tác cảm xúc
Tri Kiến Giải Thoát
1 năm trước
"Chỉ khi có thân người mới đủ điều kiện để tu hành thoát khổ, vì ở lốt nghiệp thân người thì mới đủ duyên có trí tuệ phân biệt thiện ác, nhờ có trí tuệ phân biệt thiện ác thì mới tu hành giải thoát được." (Sc. Nguyên Thanh)
Các tương tác cảm xúc